Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào khám chữa bệnh (KCB) đang được nhiều bệnh viện (BV) triển khai, giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chống thất thu viện phí, công khai minh bạch tài chính, kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn. Đồng thời, giúp người bệnh giảm bớt các thủ tục phiền hà. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai ứng dụng CNTT trong y tế đang gặp nhiều khó khăn.
Mỗi nơi làm một kiểu
Với số lượng người dân tới KCB hàng ngày gần 2.000 lượt, nên để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính phức tạp, BV Tim Hà Nội kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí bằng CNTT. Theo bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội, việc triển khai ứng dụng CNTT và bệnh án điện tử giúp các bác sĩ dễ dàng nắm bắt toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh như thế nào đều được hệ thống cảnh báo. Hơn nữa, với việc triển khai bệnh án điện tử, bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đến KCB, việc sử dụng thẻ BHYT cũng minh bạch hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y dược TPHCM, ứng dụng CNTT xuyên suốt các hoạt động là thế mạnh quản trị của BV. Thời gian qua, BV đã triển khai bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử, kios điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt… nhằm hiện đại hóa lưu trữ thông tin, cũng như gia tăng các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế. “BV luôn quan tâm gia tăng các dịch vụ tiện ích trên nền tảng CNTT hiện đại với mong muốn mang lại niềm tin và vượt sự mong đợi của người bệnh”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc cho hay.
Mặc dù việc ứng dụng CNTT trong KCB đang được đẩy mạnh triển khai nhưng bản thân các BV cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, cho rằng việc ứng dụng CNTT mỗi BV đang làm một kiểu. Phần mềm, hệ thống không giống nhau, cũng chưa có quy chuẩn thống nhất nên việc kết nối, phối hợp giữa các BV trong chia sẻ dữ liệu là không đơn giản. Giám đốc một BV cấp quận ở TPHCM thực nhận ứng dụng CNTT rất cần thiết để BV quận huyện nâng cao chất lượng dịch y tế phục vụ người bệnh và tăng cường hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vận hành hệ thống... Đại diện một số BV cũng nhìn nhận khó khăn về kinh phí khi đầu tư đồng bộ hồ sơ bệnh án điện tử, các phần mềm quản lý BV, phần mềm hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh, hệ thống thông tin xét nghiệm...
Khó đủ đường
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay tất cả các BV đã và đang khởi động CNTT, nhưng mức độ áp dụng CNTT ở các BV có sự khác biệt bởi nguồn nhân lực. “Để tuyển được một chuyên gia CNTT về BV rất khó. Hạ tầng CNTT giữa các BV có nhiều sự khác biệt. Để đầu tư hạ tầng CNTT là vấn đề không nhỏ, trong khi các BV lại tự chủ, nên một số BV có nguồn thu thấp, không đủ kinh phí đầu tư, hạ tầng sẽ kém”, PGS-TS Tăng Chí Thượng phân tích.
Bộ Y tế quy định, việc ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB được xác định theo các nhóm tiêu chí, gồm: hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), bảo mật và an toàn thông tin và bệnh án điện tử (EMR). Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế, cho biết hiện nay 100% BV đã ứng dụng CNTT trong KCB và triển khai phần mềm quản lý thông tin BV; 92,3% BV triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2% BV triển khai phần mềm quản lý điều hành như văn bản điện tử, thư điện tử. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT vẫn còn thấp, chưa đồng đều giữa các BV... Hơn nữa, quá trình triển khai bệnh án điện tử gặp nhiều khó khăn do hệ thống CNTT tại nhiều BV chưa đồng bộ; cán bộ, nhân viên y tế chưa có nhiều kinh nghiệm và bản thân lãnh đạo BV cũng chưa thực sự quyết liệt.
Bên cạnh đó, chi phí cho phần mềm quản lý bệnh viện, phần cứng cơ sở hạ tầng của CNTT khá tốn kém. Đồng thời, với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ (thay cho chữ ký tươi) trước đây không hề dễ dàng, bởi giá của một chữ ký điện tử khá đắt. Trong khi Bộ Y tế vẫn chưa đưa giá CNTT vào giá dịch vụ y tế hiện tại, gây khó khăn cho các cơ sở KCB.