Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, nước ta có trên 40.000 di tích và thắng cảnh, trong số này có khoảng 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích cấp tỉnh… Bên cạnh đó, UNESCO đã công nhận nhiều di sản tại Việt Nam như di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long…
Mặc dù có lợi thế lớn để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, nhưng du lịch Việt vẫn “chậm chân” so với các quốc gia lân cận trong việc thu thu khách đến và “giữ chân” khách. Đặc biệt, khả năng ứng dụng công nghệ số trong khai thác, phát triển bền vững du lịch vẫn còn hạn chế…
Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, hội thảo là dịp để các chuyên gia trao đổi thông tin, đánh giá xu hướng nghiên cứu mới trong việc ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, từng bước đề xuất cải tiến cho ngành du lịch Việt Nam…
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trường Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn chứng một số trường hợp thực tế về việc khai thác du lịch hiệu quả, bền vững… Chẳng hạn tại Bhutan, quốc gia này linh hoạt tăng phí khi khách đông và chủ động giảm phí khi ít khách. Bằng chứng, Bhutan hiện đã giảm một nửa “Phí phát triển bền vững” (SDF) hàng ngày xuống còn 100 USD (2,4 triệu đồng)/khách du lịch nhằm thu hút khách.
Tương tự, Thái Lan cũng hướng đến chất lượng khách, thay vì thu hút ồ ạt khách đến và chạy theo số lượng… Các quốc gia này đang tập trung vào trải nghiệm của du khách, hướng đến sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường...