Ứng dụng công nghệ kiểm soát thất thoát nước

Với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước (TTN) còn 15,1% năm 2023, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến để hạn chế thấp nhất tỷ lệ TTN. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ TTN của đơn vị chỉ còn 8,74%.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Tân Hòa trình bày sáng kiến Công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường tại Tuần lễ Khoa học công nghệ và sáng tạo
Đại diện Công ty CP Cấp nước Tân Hòa trình bày sáng kiến Công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường tại Tuần lễ Khoa học công nghệ và sáng tạo

Chủ động kiểm soát thất thoát nước

Một trong những nhiệm vụ thường xuyên được Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm TTN. Trong đó, công tác giảm TTN hữu hình được đơn vị quan tâm hàng đầu. Công ty áp dụng phần mềm quản lý sự cố nhằm hạn chế sử dụng vật tư không đạt chất lượng, tái lập không đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng được ghi nhận bằng hình ảnh, việc nhận thông tin, giao việc, tiếp nhận sửa bể đều thông qua điện thoại thông minh.

Công tác quản lý tài sản mạng lưới cấp nước cũng được đơn vị số hóa bằng hình ảnh và ghi nhận dữ liệu trực tiếp ngoài hiện trường, nhờ vậy việc quản lý và đề xuất cải tạo sửa chữa đường ống cấp nước được chính xác. Không chỉ vậy, bằng việc kết hợp liên thông giữa công nhân thao tác ngoài hiện thường và văn phòng đã tạo hiệu quả trong phòng chống TTN và thất thu theo phương châm nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, công tác phân vùng tách mạng, thiết lập khu vực quản lý đồng hồ tổng (DMA) và công tác giảm TTN chủ động cũng được công ty chú trọng triển khai. Trong đó, đơn vị đã phân vùng tách mạng DMA, tiếp tục thực hiện hoàn thiện DMA; đồng thời tăng cường thực hiện công tác giảm TTN chủ động (kiểm soát lượng nước thất thoát trong DMA, đóng van nước, dò bể, sửa bể, giảm lượng nước thất thoát).

Thời gian qua, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa cũng tăng cường công tác quản lý điểm bể thông qua ứng dụng web quản lý vận hành DMA, theo dõi điểm bể ngầm. Từ đó đã theo dõi lưu lượng và áp lực đầu nguồn tại DMA, phân tích tỷ lệ thất thoát trên từng DMA và quản lý, báo cáo công tác dò tìm rò rỉ của khách hàng sử dụng nước qua phần mềm quản lý DMA.

Ngoài ra, công tác giảm TTN vô hình như tăng cường kiểm tra đồng hồ nước, ứng dụng CNTT trong quản lý khách hàng, thay đồng hồ nước định kỳ đúng niên hạn, gắn đồng hồ nước điện tử, truyền dữ liệu theo dõi phân tích, ghi nhận các tiêu thụ bất thường để xử lý kịp thời. Không chỉ vậy, việc áp dụng đọc chỉ số nước bằng điện thoại thông minh đã hạn chế được tình trạng đọc số không chính xác, không tiếp cận đồng hồ nước.

Tự động hóa, rút ngắn thời gian khắc phục rò rỉ

Một trong những giải pháp được Công ty CP Cấp nước Tân Hòa xây dựng, ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm TTN là công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường trong vận hành mạng lưới cấp nước. Giải pháp đã giúp cảnh báo bất thường trong vận hành mạng lưới cấp nước. Đây là bước tiến trong công tác kiểm tra dò tìm các điểm rò rỉ nước.

Theo ông Nguyễn Trần Lam, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa, trước đây, nhân viên công ty khi dò tìm đường ống rò rỉ phải qua các bước đọc chỉ số, đóng van bước để kiểm tra lưu lượng nước có tăng cao hay không, từ đó mới đoán được nguy cơ rò rỉ. Nhân viên trực tiếp mở tủ đồng hồ ghi lại chỉ số, cách 30 phút phải đi ghi chỉ số một lần, sau đó tự tính toán mức độ rò rỉ thủ công. Thế nhưng, từ khi nghiên cứu và áp dụng công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường, các giai đoạn làm việc của nhân viên được rút ngắn.

Cụ thể, mỗi ngày, máy chủ sẽ tự động gửi cảnh báo dữ liệu bất thường theo lịch trình thông qua kênh zalo OA. Trong tin nhắn thông báo sẽ có đường link dẫn đến công cụ phân tích sản lượng, áp lực và lưu lượng để có thể xem chi tiết. Từ đó, nhân viên có thể nhận được cảnh báo biến động lưu lượng thất thường trên thiết bị di động.

Ông Nguyễn Trần Lam cho biết, giải pháp công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường trong vận hành mạng lưới cấp nước là bước tiến trong công tác kiểm tra dò tìm các điểm rò rỉ nước.Việc ứng dụng CNTT đã giúp đơn vị tiết kiệm nhân lực, thời gian, nhất là mức độ tính toán bằng máy có độ chính xác cao hơn. Điều này đã giúp đơn vị tập trung nguồn nhân lực dò tìm các điểm rò rỉ sau khi có kết quả đóng van bước, từ đó rút ngắn được thời gian khi dò tìm đường ống rò rỉ.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Tân Hòa chia sẻ, tại đơn vị, nhân viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ các sáng kiến, góp ý để từng bước cải tiến kỹ thuật, nhất là ứng dụng CNTT vào các hoạt động cung cấp nước sạch. Để hòa mình vào công cuộc xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, công ty không ngừng nỗ lực, cố gắng để có những sáng kiến, sản phẩm chất lượng phục vụ người dân và góp phần xây dựng thành phố thông minh.

Tin cùng chuyên mục