Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM; Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM. Cùng tham dự có đồng chí Trần Xuân Điền, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.
Quang cảnh hội nghị |
Nhiều mô hình giúp nâng cao ý thức của người dân
Tham luận tại hội nghị, ông Lý Thành Hưng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 1 (phường 11, quận Phú Nhuận) đã chia sẻ niềm vui của người dân về kết quả công tác chỉnh trang đô thị, ngăn chặn tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch tại khu phố. Nổi bật nhất thời gian qua là khu phố đã hưởng ứng phong trào “Đường tàu - đường hoa” do UBND quận phát động, được sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng hành cùng chính quyền xây dựng 670m bồn hoa dọc theo đường sắt trên địa bàn. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt trên địa bàn phường đã khoác lên mình 1 chiếc áo mới, thông điệp “Đường tàu - đường hoa” về bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh và thực hiện phân loại rác tại nguồn được người dân hưởng ứng tích cực.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự |
Với các chuyên ngành đào tạo về kỹ thuật, Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TPHCM) đã phát huy những thế mạnh đó để triển khai thực hiện Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" với chuỗi các hoạt động nhằm tác động mạnh mẽ đến ý thức của viên chức, người lao động và sinh viên nhà trường.
Theo Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam, Phó Trưởng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Bách Khoa, điểm đặc biệt là nhà trường áp dụng kiến thức chuyên môn để thực hiện các công trình, phần việc hưởng ứng Chỉ thị 19. Có thể kể đến cuộc thi học thuật Môi trường xanh; công trình “Thay áo mới cho nắp cống”; nghiên cứu và chế tạo thành công những viên gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải; máy phân loại rác tự động; công trình tái chế rác thải nhựa tại sợi 3D…
Từ năm 2021 đến nay, TPHCM đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…). Từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải của thành phố có 7.534 phương tiện, trong đó 4.191 phương tiện đạt chuẩn. Tính đến cuối tháng 5 - 2023, Quỹ Bảo vệ môi trường đã giải ngân cho 93/107 dự án về môi trường với số tiền 105,5 tỷ đồng.
Dùng flycam ghi nhận các điểm phát sinh rác thải
Năm 2021, UBND TP Thủ Đức đã tổng hợp 201 điểm rác phát sinh và tái phát sinh trên địa bàn, điển hình nhất là tình hình rác thải tại các khu đất trống trong các dự án chưa triển khai thực hiện xong với 64 dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng, TP Thủ Đức đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, công viên, vui chơi giải trí công cộng, cũng như trồng nhiều cây xanh... Trong đó, đã xây dựng và triển khai Kế hoạch làm việc, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư về việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức. Cùng với đó, sử dụng flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn, đồng thời sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời các điểm rác trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Grac giới thiệu về giải pháp giảm thiểu rác đổ trộm, rác mồ côi bằng ứng dụng Grac |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Grac cũng đã giới thiệu về giải pháp giảm thiểu rác đổ trộm, rác mồ côi bằng ứng dụng Grac. Theo đó, khi phát hiện hành vi đổ rác trộm hoặc rác mồ côi thì người dân có thể gửi phản ánh/khiếu nại thông qua ứng dụng Grac. Dữ liệu sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định. Hiện ứng dụng trên đã được triển khai tại quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Ứng dụng còn giúp người dân tra cứu tiền rác hàng tháng; dễ dàng liên hệ trực tiếp với người thu gom rác tại nơi phát sinh chất thải qua số điện thoại di động. Người dân cũng có quyền gửi phản ánh, khiếu nại về thời gian thu gom, tần suất thu gom, loại rác thu gom, quyền và nghĩa vụ, hành vi đổ rác trộm, rác mồ côi... liên quan tới dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, cùng với kết quả giám sát Chỉ thị số 19 ở các địa phương, đơn vị, trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phương hướng, các giải pháp triển khai thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu kết luận hội nghị |
Đồng chí cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng; vận động tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Đồng thời tăng cường truyền thông, giáo dục trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực; duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý triệt để ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch.
Bên cạnh đó là đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với chương trình, dự án, đơn vị thực hiện hưởng ứng cuộc vận động; phát hiện, biểu dương và nhân rộng việc áp dụng các mô hình, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong việc triển khai Cuộc vận động...