Một lần đóng phạt bằng 6 tháng trả phí
Hơn 8 giờ sáng một ngày đầu tháng 6, quán cà phê Vy (đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1) không còn chiếc bàn trống. Ngoài vỉa hè, chủ quán bố trí một dãy bàn ghế dạng gấp gọn để khách ngồi. “Từ dạo được sử dụng một phần vỉa hè có trả phí, tôi không phải xách ly cà phê chạy khi thấy lực lượng quản lý trật tự đô thị, đỡ lắm nha bà chủ”, một vị khách nói vui với chủ quán.
Bà Trần Thị Thanh Tuyền, chủ quán cà phê Vy, cho biết, mặt bằng trung tâm quận 1 khá nhỏ nên quán không thể không chiếm dụng vỉa hè khi đông khách. Vì vậy, trước đây, quán cà phê của bà thường xuyên bị xử phạt vi phạm hành chính vì lấn chiếm vỉa hè.
“Hồi đó, cứ vài tuần là quán lại bị phạt một lần, mỗi lần là hơn 5 triệu đồng, xót ruột lắm. Nay quận 1 thí điểm cho sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí, 1 tháng qua chúng tôi kê bàn ghế ngoài này mà không lo lắng, không phải canh chừng lực lượng quản lý trật tự đô thị”, bà Tuyền chia sẻ. Bà đã đăng ký sử dụng tạm một phần vỉa hè, mỗi tháng đóng 800.000 đồng. Tính ra, một lần đóng tiền phạt trước đây bằng hơn 6 tháng bà trả phí sử dụng tạm vỉa hè như hiện nay.
Cách đó không xa, người quản lý khách sạn Queen Central (phường Bến Nghé, quận 1) như trút được gánh nặng về chỗ để xe và phục vụ khách khi họ có nhu cầu uống cà phê ngoài vỉa hè. Bà Huỳnh Trương Ngọc Trinh, quản lý khách sạn Queen Central, cho hay, khách sạn thường xuyên bị xử phạt vì chiếm dụng vỉa hè dành cho người đi bộ. Khi quận 1 thí điểm cho sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí, khách sạn lập tức đăng ký với địa phương. “Khách nước ngoài rất thích văn hóa vỉa hè của Việt Nam nên đây là cơ hội để chúng tôi kinh doanh”, bà Ngọc Trinh nói.
Trong số 11 tuyến đường được quận 1 thí điểm cho sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí, có những tuyến đường sau khi dành 1,5m để xe, 1,5m dành cho người đi bộ, diện tích còn lại chỉ rộng 0,5m nhưng nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã đăng ký sử dụng tạm và bố trí cách khai thác hợp lý, thu hút được khách du lịch. Qua quan sát, hầu hết các hộ kinh doanh trên 11 tuyến đường thí điểm thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, bố trí sử dụng diện tích đăng ký sử dụng tạm, đảm bảo khu vực để xe và lối đi cho người đi bộ.
Đẩy nhanh tiến độ
Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, thông tin, tính đến ngày 14-6, sau 36 ngày thí điểm, đã có 230 hộ đăng ký sử dụng tạm một phần vỉa hè với diện tích gần 1.800m2, số tiền dự thu khoảng 890 triệu đồng. Trong đó, phường Bến Thành có số lượng đăng ký nhiều nhất (142 trường hợp), riêng vỉa hè đường Lê Thánh Tôn có 84 trường hợp đăng ký.
Sau khi các hộ đăng ký qua ứng dụng, UBND phường sẽ tiếp nhận và đến tận nơi để xác thực thông tin, đo vẽ vị trí vỉa hè được sử dụng tạm rồi cấp mã để các hộ thực hiện thanh toán phí. Trung bình mỗi ngày, quận 1 tiếp nhận 13 trường hợp đăng ký.
“Chúng tôi nhận thấy đa số người dân đồng tình, ủng hộ cao với việc thí điểm thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè cũng như việc ứng dụng phần mềm trong công tác thu phí và quản lý việc đăng ký, giúp quy trình trở nên minh bạch, thuận tiện, khoa học hơn và không sử dụng tiền mặt”, ông Nguyễn Thành Phát cho biết.
Cùng với việc thu phí sử dụng tạm một phần vỉa hè, lực lượng quản lý trật tự đô thị các phường trên địa bàn quận 1 tuần tra, giám sát hàng ngày để nhắc nhở người dân, tạo thói quen trong sử dụng một phần vỉa hè đúng quy định.
Trong khi quận 1 đã triển khai rộng rãi thì các địa phương khác đang trong quá trình lập danh mục, chờ thẩm định. UBND quận 10 đã gửi danh mục các tuyến đường đủ điều kiện thu phí sử dụng tạm ngoài mục đích giao thông đến cơ quan chức năng thẩm định. Cùng với đó, quận tuyên truyền, lấy ý kiến người dân về việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.
Tương tự, danh mục các tuyến đường có thể sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, giữ xe đã được UBND quận 3 gửi đến các cơ quan chức năng để lấy ý kiến. Dự kiến trong tháng 6 sẽ ban hành để người dân đăng ký sử dụng. Các địa phương khác cũng đã hoàn tất việc rà soát, lập danh mục gửi đến cơ quan chức năng chờ thẩm định để ban hành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ về quản lý và thu phí sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường. Chậm nhất trong tháng 6, phải ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm; nếu chậm trễ thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM.