Có thể thấy, sự phục hồi tích cực trong 10 tháng đầu năm 2022 của kinh tế Việt Nam nói chung, và kinh tế TPHCM nói riêng một phần là do tác động xuất phát điểm thấp từ tăng trưởng 2021, phần khác lớn hơn là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của sức cầu trong nước, cùng việc thực hiện linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài chính và ở mức độ nhất định - nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.
Tuy nhiên, bức tranh màu hồng đó nhanh chóng bị đổi màu trong 3 tháng cuối năm. Vòng xoáy lạm phát và thiếu hụt nguồn cung do các đứt gãy về chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, tác động ngược của các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây, các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc và xu hướng thắt chặt điều kiện tài chính có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào năm tới -2023 tạo nên sự bất định của nền kinh tế thế giới.
Tình hình kinh tế trong nước xuất hiện nhiều yếu tố tác động đến cục diện chung. Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống. Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế xã hội năm 2022, trong phiên khai mạc, người đứng đầu cơ quan đại diện quyền lực nhân dân cũng là chuyên gia đầu ngành kinh tế đã chỉ rõ “Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố bất biến để ứng phó với vạn biến của tình hình kinh tế quốc tế”.
Sự thích ứng “linh hoạt-an toàn” của chính sách tiền tệ và tài khóa đang là một đề bài đặt ra cho các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Với các rủi ro vĩ mô đang diễn ra, đặc biệt là sự ổn định của ngân hàng thương mại và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đòi hỏi TPHCM nỗ lực vận dụng thực thi có hiệu quả nhất các chính sách của trung ương để vận hành nền kinh tế thông suốt về đích.
Việc có giải cứu hay không trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng liên quan, tính đến thời điểm này đều bất khả thi vì cả cơ sở pháp lý lẫn nguồn lực kinh tế. Có một vài khía cạnh cần xem xét để “bình tĩnh” hơn: về tổng thể, toàn hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không nắm giữ quá lớn trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 290.000 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại).
Hơn nữa, khi không được ngân hàng thương mại cho vay đảo nợ hay thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, một số doanh nghiệp buộc phải bán bớt tài sản, bất động sản, dẫn đến giá nhà, giá thuê mặt bằng sẽ giảm. Tỷ lệ tiếp cận được nhà ở của người dân sẽ tăng lên, giá thuê mặt bằng cũng giảm đi. Mặt khác, các ngân hàng thương mại đều đã công bố lợi nhuận cao (tính đến quý 3-2022) và đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro nên hầu hết đều đảm bảo thanh khoản khi nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp chuyển thành nợ xấu ngân hàng.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Với các yếu tố tác động như trên, các tính toán kịch bản từ lạc quan ở mức trên 6,5%, và bi quan hơn khoảng trên 6%.
Với TPHCM, các kịch bản tăng trưởng năm 2023 mà Viện Nghiên cứu phát triển TP tính toán và xây dựng với 3 cung bậc: “bất lợi” là 7,03%, “thuận lợi” là 8,08% và “cơ sở” là 7,5%. Kịch bản này cũng đang dao động giữa vòng quay các yếu tố bất định của tình hình thế giới, và khả năng kiểm soát các vấn đề nội tại của thị trường Việt Nam, quan trọng nhất là cần tránh “khủng hoảng niềm tin” dẫn đến hiện tượng mà nhiều nhà chuyên gia cảnh báo về “cạn kiệt thanh khoản” trên thị trường.
Công tác dự báo, cảnh báo - hơn bao giờ hết sẽ thể hiện rõ vai trò quan trọng trong thời gian tới. Cách “tiếp cận thị trường” với sự tham gia có định hướng của “bàn tay hữu hình” Nhà nước là then chốt với các liều lượng giải pháp kịp thời và phù hợp.