UNESCO khuyến nghị các công viên địa chất của Việt Nam không nên trùng lặp

Việt Nam hiện có 3 khu vực được UNESCO công nhận "công viên địa chất toàn cầu" thì trong đó riêng ở miền Bắc có 2 công viên. Hiện tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị được công nhận. 

IMG_0415.jpeg
Non nước ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) nằm trong Công viên Địa chất Lạng Sơn

Ngày 10-7, thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, đoàn thẩm định của UNESCO đã hoàn thành chuyến khảo sát thực địa 26/38 điểm tham quan thuộc Công viên Địa chất Lạng Sơn (từ ngày 6 đến 9-7).

Từ kết quả đợt khảo sát và thẩm định thực địa này, đoàn sẽ có báo cáo để UNESCO xem xét hồ sơ mà UBND tỉnh Lạng Sơn đã gửi, đề nghị công nhận Công viên Địa chất Lạng Sơn là "Công viên Địa chất toàn cầu".

IMG_0467.jpeg
Đoàn chuyên gia UNESCO khảo sát thực địa bãi đá hóa thạch tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 10-7, các chuyên gia trong đoàn thẩm định cho rằng, Lạng Sơn cần bảo vệ giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững; đặc biệt là cần khai thác đặc trưng (riêng có) của địa phương này để xây dựng mô hình một công viên địa chất khác biệt với những công viên địa chất khác...

Các chuyên gia nêu ra khuyến nghị, Công viên Địa chất Lạng Sơn và các công viên địa chất khác ở miền Bắc Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển, tránh việc cạnh tranh với nhau.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, đến nay, tại Việt Nam, UNESCO đã công nhận 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là: Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020).

1.jpg
Các chuyên gia của UNESCO đưa ra khuyến nghị trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 10-7. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Theo Ban Quản lý công viên địa chất Lạng Sơn, được thành lập từ năm 2021, hiện công viên địa chất này có phạm vi ranh giới gồm 8 huyện, thành phố (Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, TP Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia, một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc) với diện tích khoảng trên 4.840km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh này).

Sở VH-TT-DL tỉnh Lạng Sơn cho rằng, công viên địa chất ở địa phương này có địa hình chủ yếu là núi đá vôi và hang động karst, có nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan đẹp cùng các giá trị di sản, di tích lịch sử ghi dấu chiến công của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.

Tin cùng chuyên mục