Đối thoại có sự tham gia của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có 15 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện Liên hiệp quốc và trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, việc thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) cách đây 40 năm là một dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật biển quốc tế. Lần đầu tiên, một khung pháp lý toàn diện, một bản “hiến pháp” của các đại dương được thiết lập. Kể từ đó, UNCLOS đã chứng minh được giá trị phổ quát và được kết tinh thành tập quán quốc tế.
Đến nay, UNCLOS tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển luật biển quốc tế, trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia, sự phát triển bền vững của các đại dương và biển cả. Trước thực tế ngày càng có nhiều thách thức trên biển, cộng đồng quốc tế cần duy trì thượng tôn pháp luật và tuân thủ một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý theo UNCLOS, nhất là trong việc đưa ra các yêu sách và tiến hành các hoạt động trên biển. Các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác ở cấp độ quốc tế và khu vực để bảo tồn, sử dụng bền vững các biển và đại dương, đồng thời đảm bảo quyền tự do hàng hải và các hoạt động hàng hải hợp pháp.
Đối với khu vực, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, việc áp dụng các giá trị phổ quát UNCLOS để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia không có biển, giữa các quốc gia là thành viên cũng như chưa phải là thành viên của UNCLOS nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thúc đẩy quản lý bền vững Biển Đông.
Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần nỗ lực tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS; nâng cao lòng tin, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời, tuân thủ UNCLOS trong việc xác định các yêu sách trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.