Sáng 29-1, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đông nghẹt bệnh nhân. Dãy ghế ngồi trước cửa các phòng khám không còn chỗ trống. PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết chỉ trong 3 tuần qua, BV đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, trong đó có gần 300 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú.
Do số trẻ mắc cúm tăng khá cao so với năm trước nên BV đã xây dựng lưu đồ tiếp đón, phân loại người bệnh nghi ngờ cúm ngay ở khu vực phòng khám nhằm kịp thời điều trị và phòng ngừa lây nhiễm chéo.
Khi tiếp nhận bệnh nhi qua khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ phân loại thành 3 nhóm: nhập viện điều trị nội trú, chuyển cơ sở y tế dưới, điều trị ngoại trú tại nhà. Với những trẻ điều trị ngoại trú, ngoài kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ có hướng dẫn chăm sóc kỹ.
Ghi nhận tại nhiều BV khác trên địa bàn Hà Nội như: Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông..., số bệnh nhân nhiễm cúm mùa nhập viện trong thời gian gần đây cũng đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận các ca mắc cúm A/H1N1 nhập viện, trong đó đã có những ca biến chứng nặng.
Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho và hắt hơi.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới có khoảng 5%-10% người trưởng thành và 20%-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp có diễn biến nặng. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng ghi nhận khoảng 1-1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.
Các bác sĩ lưu ý, mặc dù là dịch bệnh thông thường, xuất hiện quanh năm nhưng cúm mùa ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và gây ra nhiều mối nguy hiểm.
Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm đường hô hấp trên, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đặc biệt viêm họng đỏ rất rõ, một số trẻ còn viêm phế quản. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Tuy nhiên đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim mạch, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Trước tình hình bệnh cúm mùa đang gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Đồng thời, để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm Cúm quốc gia đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM. Đến nay, các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm và kịp thời phát hiện được các chủng virus cúm nếu có sự biến đổi.