Mệt mỏi vì chờ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang rất “nóng” với hàng trăm chuyến bay được tăng tải cho cao điểm du lịch mùa hè 2019. Tình trạng đông đúc kéo dài từ đường dẫn vào cảng cho đến cửa ra máy bay. Trong đó, dòng người ùn ứ lâu nhất chính là cửa kiểm soát an ninh. Có những thời điểm, hành khách phải mất đến 30-45 phút mới đến lượt. Một số hành khách sát giờ bay, cuống cuồng xin trợ giúp từ nhân viên hàng không, gây nên tình trạng lộn xộn.
Đặc biệt, trong những ngày này, CHKQT Tân Sơn Nhất đang tiến hành sửa chữa tại khu vực ga quốc nội. Việc quây bạt làm diện tích khai thác bị thu hẹp càng khiến tình trạng ùn ứ tại khu vực làm thủ tục hàng không tăng lên. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng bay đã có nhiều giải pháp giảm ùn tắc khu vực làm thủ tục hàng không, ngoài hình thức làm thủ tục check-in tại quầy, hành khách còn có thể tự làm thủ tục trực tuyến qua trang web của hãng, sử dụng mobile check-in hoặc kiosk check-in tự động… Tuy nhiên, sau đó hành khách vẫn bị ùn tắc ở khâu kiểm soát an ninh.
Theo phản ánh của nhiều hành khách, tình trạng xếp hàng chờ qua cửa kiểm soát an ninh gây mệt mỏi, nhất là khi hành khách xếp hàng không trật tự, không đúng hàng lối, người ra người vào rất lộn xộn. Không chỉ hành khách, đại diện các hãng hàng không cũng cho rằng các điểm soi chiếu an ninh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến ùn ứ. Đại diện ACV cho biết, hiện cả 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất có tất cả 39 máy soi các loại, tăng 15 máy soi (tương đương tăng 40%) so với năm 2014. Tuy nhiên, nếu có thể thấy, vào thời điểm năm 2014, tình trạng ùn tắc tại các điểm kiểm soát an ninh đã diễn ra. Lượng hành khách qua cảng tăng đều khoảng trên 10%/năm, việc tăng số lượng máy soi như vậy rõ ràng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, tình trạng ùn ứ tại các điểm kiểm soát an ninh không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng.
Về câu hỏi có những lúc điểm soi chiếu an ninh ưu tiên vắng khách trong khi các điểm còn lại bị ùn ứ kéo dài mà nhân viên không điều tiết, đại diện ACV cho biết, khi cửa ưu tiên không đông khách, nhân viên hàng không vẫn giải quyết cho hành khách là người già, trẻ em, phụ nữ có thai đi qua cửa này để kiểm tra. Trường hợp cần ưu tiên hay hỗ trợ đặc biệt, hành khách nên chủ động ra những khu vực ưu tiên đề xuất. Theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, việc các hãng hàng không sử dụng chung các điểm soi chiếu là hoàn toàn bình thường, không có sự phân biệt đối xử giữa các hãng.
Giải pháp nào khắc phục?
Đại diện CHKQT Tân Sơn Nhất cho biết, trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất đạt bình quân 740 chuyến bay cất hạ cánh/ngày. Trước đó, vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, sân bay này còn đạt kỷ lục gần 1.000 chuyến bay cất hạ cánh/ngày, với khoảng 130.000 hành khách đến và đi qua sân bay. Trong dịp cao điểm hè, các hãng hàng không đều tăng tải các đường bay tới các điểm du lịch có lượng khách tăng mạnh. Tại CHKQT Nội Bài, cao điểm hè 2019, sản lượng hành khách dự kiến ngày cuối tuần đạt 92.000 hành khách/ngày với 560 chuyến bay/ngày.
Theo ACV, với mật độ khách tăng mạnh trong những năm gần đây, các cảng hàng không, đặc biệt là CHKQT Tân Sơn Nhất đã trở nên quá tải. Hiện ACV đang triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng, trang bị thêm hoặc nâng cấp dây chuyền công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng vận chuyển. Tuy nhiên, mặt bằng phân khu chức năng tại các nhà ga đã được bố trí tối đa phục vụ khai thác. Để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải, CHKQT Tân Sơn Nhất cần phải có thêm nhà ga mới, cụ thể là cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3.
Theo dự báo của các chuyên gia, ngành hàng không vẫn còn dư địa để phát triển mạnh trong thời gian tới. Số lượng hãng hàng không tham gia vào thị trường, số lượng chuyến bay, số lượng hành khách qua cảng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Điều đó đồng nghĩa với việc những băn khoăn, bức xúc của hành khách về chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng lên. Thiết nghĩ, với trách nhiệm giải quyết những vấn đề bất cập của ngành, nhà chức trách hàng không phải sớm có câu trả lời thỏa đáng cho những bức xúc của hành khách.
Vì sao hạ tầng cảng bị hạn chế trong khi Cục Hàng không Việt Nam vẫn cấp phép cho các hãng tăng chuyến, tăng số lượng máy bay? Vì sao không đặt ra tiêu chí số lượng điểm soi chiếu an ninh tương ứng với sản lượng hành khách? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao khi các dịch vụ hàng không bị kéo giảm do tình trạng quá tải? Những câu hỏi này Báo SGGP đã gửi đến Cục Hàng không Việt Nam, tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc đến những người có trách nhiệm, câu trả lời của cơ quan chức năng vẫn chưa được đưa ra. |