Chiều 25-7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Các ý kiến phát biểu tiếp tục góp ý thêm về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau dịch, nhất là hỗ trợ người dân khó khăn và doanh nghiệp (DN).
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin...
Theo ĐB, trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng chống dịch dẫn đến sự ùn tắc trong lưu thông hàng hoá và con người. Thực tế vừa qua và cả hiện nay, vẫn đang diễn ra sự ùn tắc về mặt hàng hoá, do đó cần có sự phối hợp giữa các địa phương, giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết để làm tăng sự lưu thông, vận chuyển hàng hoá. Chính phủ cần quy định các địa phương không được ban hành các quy định không cần thiết.
Về các biện pháp hỗ trợ DN, ĐB Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngoài hỗ trợ trực tiếp về tài chính, đề nghị bổ sung xây dựng các chương trình hỗ trợ DN trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi và tái cơ cấu lại DN.
“Các biện pháp hỗ trợ tài chính là cần thiết nhưng xét về mặt dài hạn, nếu chúng ta không có chương trình hỗ trợ DN, nâng cao năng lực thì ngay cả khi được hỗ trợ về mặt tài chính mà DN không có khả năng hấp thụ thì không phát huy đầy đủ tác dụng”, ông nói.
ĐB này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát để nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ cấu lại DN, thúc đẩy cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, đây là điều kiện để tái cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới một nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Như vậy việc cải cách thể chế là cần thiết, tạo nền tảng cho việc đổi mới căn cơ nền kinh tế.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến DN, nhất là DN vừa và nhỏ khó khăn. DN đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ (trừ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm). Thậm chí, họ không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu không có biện pháp bứt phá hỗ trợ. Những hỗ trợ vừa qua, chẳng hạn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, hay miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất…, đi vào cuộc sống không được bao nhiêu.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng cho rằng, hậu quả Covid-19 là rất nặng nề, nếu không có giải pháp đủ mạnh thì khó phục hồi, nhất là các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp dự phòng cho tình huống bất khả kháng, ví dụ xét tốt nghiệp THPT cho học sinh khi không thể tổ chức kỳ thi.