Ước tính ùn tắc giao thông thiệt hại 6 tỷ USD/năm |
Ngày 12-7, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 53, Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của TPHCM.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM.
Mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách mới, vượt trội
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hội nghị lần này ngoài việc đánh giá lại những kết quả đạt được, còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các điểm nghẽn nút thắt làm cản trở sự phát triển của TPHCM. Đồng thời ghi nhận những đề xuất các cơ chế, chính sách mới đặc thù, vượt trội để phát triển TPHCM nhanh, cao hơn, xứng đáng là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Cùng với đó, ghi nhận những kiến nghị về phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực để triển khai áp dụng cơ chế chính sách mới này, có thể thí điểm, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Bộ trưởng, TPHCM không phải dừng lại ở mức tăng trưởng 1 con số 7%-8% mà có thể là hai con số nếu TPHCM thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, thay đổi tầm nhìn và tập trung vào tổ chức thực hiện cho tốt. Sự phát triển này không phải dừng lại trong vài ba năm mà có thể kéo dài hàng chục năm.
Tuy nhiên, hiện nay, TPHCM gặp cản trở lớn nhất cho sự phát triển, đó là ùn tắc giao thông. Các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại TPHCM chưa giải quyết được tận gốc. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị rất cần cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Về cơ chế, liên kết vùng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đã nghiên cứu hơn chục năm nay nhưng không làm được vì một lý do, đó là Hội đồng vùng không phải là cơ quan cấp trên của các tỉnh thành, không có địa vị pháp lý nên không có quyền lực, không có ngân sách.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị TPHCM nghiên cứu sâu hơn, đề xuất cơ chế, quy chế hoạt động, điều phối của Hội đồng vùng trong bối cảnh không có thể chế của cấp chính quyền vùng.
Đẩy nhanh tiến độ Trung tâm Tài chính quốc tế
Đối với Trung tâm Tài chính quốc tế của TPHCM, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhìn nhận đây là vấn đề rất khó nhưng phải thực hiện; trong thời gian qua, TPHCM thực hiện có vài bước tiến về việc này nhưng vẫn còn chậm. Từ đó, trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT tiếp tục đồng hành cùng với TPHCM để đẩy nhanh tiến độ hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế của TPHCM.
Ngoài ra, TPHCM không nên dừng lại ở Trung tâm Tài chính quốc tế mà còn phải nghiên cứu thêm việc hình hình thành Thành phố Tài chính với nền kinh tế xoay quanh Trung tâm Tài chính.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, TPHCM nghiên cứu xem có khả thi hay không đối với việc hình thành trung tâm tài chính mới ở khu vực huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, nhằm mở rộng không gian phát triển của TPHCM theo hướng ra biển.
Về vấn đề này, trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết đã hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế. Đây là việc khó, do đó đòi hỏi phải hoàn thiện mô hình, khung pháp lý mới vận hành được, thậm chí phải có luật hoặc nghị quyết.
“TPHCM mong sớm hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM. Trung tâm này không chỉ cho TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn cho cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.
Đối với giao thông kết nối vùng, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần tiếp cận hạ tầng giao thông và hạ tầng chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số rất quan trọng nhưng khi nói, chúng ta ít để ý việc này”, đồng chí Phan Văn Mãi góp ý cần phải tập trung nội dung này. Từ đó, giúp kết nối giao thông trong vùng cũng như tạo ra tăng trưởng tốt hơn. Đồng thời, đồng chí kiến nghị cần quan tâm tiếp cận đến phát triển vùng bền vững trước các vấn đề hiện nay của vùng như giao thông ùn tắc, ngập úng, quản trị xã hội…
Đồng thời nhấn mạnh thêm cần phải phân cấp, phân quyền thật mạnh, rõ ràng hơn; cùng với đó khi đã phân cấp rồi thì có điều kiện để tổ chức thực hiện. Theo đó, tránh được việc không phải giao về cho các địa phương trong vùng, song khi đi vào nội dung chi tiết để thực hiện thì phải hỏi lại bộ ngành.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị, song song với việc hoàn thiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53, công tác lập quy hoạch vùng cũng cần sớm triển khai thực hiện. Cùng với đó, kiến nghị Hội đồng vùng cần phải tổ chức lại với thành phần phù hợp hơn với yêu cầu mới. Trong đó, Hội đồng vùng phải giám sát tiến độ, trách nhiệm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của vùng.
Ngoài ra, Hội đồng vùng cần có tổ giúp việc và các địa phương trong vùng đóng góp kinh phí để chi trả cho hoạt động này. Hội đồng vùng phải quan tâm điều phối những lĩnh vực, chương trình dự án trọng điểm.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng tin tưởng, nếu mở ra được cơ chế đóng góp tài chính thì các địa phương trong vùng sẽ huy động được nguồn lực ngân sách tổng hợp từ Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội. Hội đồng vùng xác định được chương trình dự án trọng điểm và có một cơ chế huy động nguồn lực thực hiện thì sẽ đạt được những kết quả rất rõ nét trong thời gian tới.
Tập trung nguồn vốn xây dựng các công trình giao thông trọng điểm
Trước đó, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 53 tại TPHCM. Đồng thời kiến nghị Trung ương ban hành nghị quyết mới trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được từ Nghị quyết 53.
Cùng với đó là kiến nghị tiếp tục xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng và hệ thống quy định về chính quyền địa phương cần phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cũng đề xuất ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 463 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Do đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai kiến nghị đẩy nhanh việc lập quy hoạch này để TPHCM và các tỉnh trong vùng có cơ sở lập và triển khai quy hoạch của từng tỉnh; cũng như quy hoạch vùng cho thống nhất, kịp thời.