Ukraine nêu điều kiện đàm phán với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin với điều kiện Kiev phải được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bảo đảm an ninh.

Gây sức ép

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ITV News (Anh) về việc sẵn sàng đàm phán trực tiếp với ông Putin, ông Zelensky nhấn mạnh: “Nếu Mỹ và châu Âu không bỏ rơi chúng tôi, ủng hộ chúng tôi và đảm bảo an ninh cho chúng tôi, tôi sẽ sẵn sàng đối với bất kỳ hình thức đàm phán nào”. Ông Zelensky cho rằng có nhiều khả năng để chấm dứt xung đột ở Ukraine trong năm 2025. Theo ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột và kêu gọi ông cùng EU gia tăng sức ép đối với Nga, chủ yếu bằng các lệnh trừng phạt.

K8c.jpg
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể còn kéo dài. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Nga trước đó tuyên bố nếu có mong muốn tìm ra giải pháp thỏa hiệp, các cuộc đàm phán về Ukraine có thể được tiến hành với bất kỳ ai. Ông Putin nhắc lại rằng Ukraine cần tìm cách hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán do ông Zelensky ký trước đó (việc này có thể do Chủ tịch Quốc hội thực hiện). Nếu đích thân ông Zelensky muốn tham gia đàm phán, Tổng thống Nga sẵn sàng chỉ định những người chuyên trách để thực hiện việc này. Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Mỹ về xung đột tại Ukraine hay không, Đại sứ thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc, nhưng trên cơ sở bình đẳng và chỉ khi lợi ích của Nga được tôn trọng. Chúng tôi đang chờ đợi những tín hiệu liên quan từ phía Mỹ”.

Trả lời phỏng vấn NBC, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết trong tuần này, Mỹ sẽ thảo luận về cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các đảm bảo an ninh sẽ do châu Âu chịu trách nhiệm.

Còn dai dẳng?

Về triển vọng giải quyết vấn đề Nga - Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh giá tích cực các tín hiệu từ Mỹ, Nga và Ukraine và vẫn hy vọng về cơ hội hòa bình. Theo ông Erdogan, Tổng thống Ukraine gần đây bày tỏ sẵn sàng đàm phán nếu có một đề xuất phù hợp. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh các tín hiệu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin về chủ đề này, đồng thời sẵn sàng làm mọi thứ có thể trong bối cảnh hiện nay. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia có thể giao tiếp một cách cân bằng với tất cả các nhà lãnh đạo của các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột và thực hiện “ngoại giao hòa bình”.

Trong khi đó, trang csis.org cho rằng trong nhiều năm qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây chọn cách làm suy yếu Nga bằng việc cô lập về kinh tế và quân sự của nước này, với hy vọng khiến Moscow “kiệt sức” để không thể tiếp tục cuộc xung đột tại Ukraine. Chiến lược này không mang tính thuyết phục, mà đơn thuần là cưỡng chế - hay nói cách khác, dựa hoàn toàn vào ép buộc, chứ không phải đàm phán. Các điều kiện hiện tại của cuộc xung đột tại Ukraine không tạo thuận lợi cho việc chấm dứt xung đột bằng ngoại giao cưỡng ép. Nga đang có lợi thế về động lực, nhân lực, ý thức cấp bách và khả năng chịu đựng rủi ro, khiến họ ít bị ảnh hưởng bởi áp lực cưỡng ép từ phương Tây.

Trang mạng trên nhận định dù ông Donald Trump tuyên bố muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này, nhưng thực tế cho thấy phần lớn các cuộc chiến nếu kéo dài hơn một năm, xung đột thường mất cả một thập kỷ để giải quyết. Cuộc chiến Ukraine đã vượt qua cột mốc này gần một năm trước, cho thấy mức độ phức tạp và dai dẳng của xung đột.

Tin cùng chuyên mục