Huy động mọi nguồn lực
Tham dự hội nghị có Thủ tướng các nước Bỉ, Ba Lan, Litva và Tổng thống Hungary. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có bài phát biểu qua video. Chương trình nghị sự tập trung thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản.
Tại hội nghị, ông V.Zelensky cho biết, chính quyền Kiev đã huy động được ít nhất 150 triệu USD từ Liên minh châu Âu (EU) và hơn 20 quốc gia khác để xuất khẩu ngũ cốc sang các nước như Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Somalia và Yemen. Theo kế hoạch, Ukraine sẽ điều ít nhất 60 tàu chở ngũ cốc từ các cảng của nước này đến các quốc gia đang đối mặt với nạn đói và hạn hán cho đến cuối mùa xuân tới.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, lượng nông sản xuất khẩu trên thế giới trong giai đoạn từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra (cuối tháng 2-2022) đến nay đã giảm 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021. Tuyên bố nhấn mạnh, điều này cho thấy an ninh lương thực của hàng triệu người trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Cũng theo tuyên bố, các nước tham gia hội nghị sẽ cùng chung tay khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đối với kinh tế và vấn đề nhân đạo do xung đột Nga - Ukraine gây ra.
Trước đó, ông Zelensky đã đưa ra Sáng kiến ngũ cốc từ Ukraine trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia. Các quốc gia ủng hộ sáng kiến này sẽ mua sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ các nhà sản xuất Ukraine và sau đó chuyển cho các quốc gia đang trên bờ vực nạn đói.
Khó khăn bủa vây
Hiện khó khăn vẫn bủa vây Ukraine trước thềm mùa đông khi tình trạng mất điện diện rộng tăng, còn xuất khẩu lại giảm. Hãng thông tấn Interfax - Ukraine dẫn lời Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, cho biết, tăng trưởng GDP của Ukraine trong tháng 10 suy giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Svyrydenko, Chính phủ Ukraine ước tính GDP 9 tháng đầu năm 2022 giảm 30%. Xung đột, gây mất điện trên diện rộng, nếu tiếp diễn có thể khiến nền kinh tế suy giảm sâu hơn nữa vào cuối năm. Theo Ngân hàng trung ương Ukraine, lạm phát dự kiến lên tới 30% vào cuối năm 2022, so với con số 10% cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng này cũng dự báo nền kinh tế suy giảm 31,5% trong năm 2022.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Ukraine thông báo số liệu cho thấy, xuất khẩu ngũ cốc của nước này chỉ đạt gần 16,2 triệu tấn trong vụ mùa 2022-2023 cho đến nay, giảm 31,7% so với 23,8 triệu tấn xuất khẩu cùng kỳ vụ mùa trước.
Lượng xuất khẩu gồm gần 6,3 triệu tấn lúa mì, 8,6 triệu tấn bắp ngô và 1,3 triệu tấn đại mạch. Chính phủ Ukraine dự kiến có thể thu hoạch từ 50-52 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2022, giảm so với mức 86 triệu tấn năm 2021 do xung đột khiến diện tích canh tác bị thu hẹp và sản lượng thấp hơn.
Theo The New York Times, 2/3 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoàn toàn cạn kiệt dự trữ vũ khí mà họ có thể chuyển giao trong khuôn khổ hỗ trợ Kiev. Theo đó, khủng hoảng ở Ukraine vượt trội hơn tất cả những cuộc xung đột khu vực diễn ra những năm gần đây nên “NATO không sẵn sàng cho tốn phí lớn như vậy về đạn dược”. Tuy nhiên, Mỹ, Pháp, Đức và Italy... có thể tăng khối lượng cung cấp các loại vũ khí tới Ukraine. |