Đổi đất lấy ngừng bắn
Trả lời phỏng vấn Sky News, ông Zelensky cho rằng, việc để Ukraine trở thành thành viên của NATO trong khi cho phép Nga giữ phần lãnh thổ đang kiểm soát hiện nay có thể là một giải pháp để chấm dứt “giai đoạn nóng” của cuộc chiến kéo dài 33 tháng qua. Ông Zelensky cũng nhấn mạnh, sau khi lệnh ngừng bắn được nhất trí, Kiev có thể đàm phán “ngoại giao” để nhận lại phần lãnh thổ ở phía Đông hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Ukraine thể hiện sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Kiev. Trước đó, Kiev luôn tuyên bố sẽ chiến đấu với Nga cho đến khi giành lại phần lãnh thổ được quốc tế công nhận, bao gồm bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ phía Đông của nước này.
Theo giới quan sát, đối mặt với sự kiên quyết của Washington, Kiev đang phải xem lại tham vọng của mình và chấp nhận mất đi những vùng lãnh thổ hiện Nga đang kiểm soát (khoảng 18% lãnh thổ Ukraine). Các cuộc thảo luận về khả năng ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình đã gia tăng kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11-2024. Trong khi đó, sự ủng hộ về một thỏa thuận hòa bình cũng đang gia tăng trong số các nước đồng minh châu Âu.
"Chiếc ô NATO"
Ngày 27-11 vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn tướng về hưu Keith Kellogg, cựu Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, làm đặc phái viên về Ukraine và Nga. Hồi tháng 4, tướng Keith Kellogg cùng với cựu chuyên gia của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Fred Fleitz đã soạn thảo một bản ghi nhớ kêu gọi hoãn dự án gia nhập NATO của Ukraine trong thời gian dài để có thể “thuyết phục” Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Ông đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự cho Kiev, nếu Ukraine từ chối tham gia đàm phán hòa bình với Nga. Đồng thời, thông điệp dành cho Moscow cũng tương tự: nếu Nga không muốn đàm phán thì ngược lại, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, ông Zelensky ám chỉ rằng “chiếc ô NATO” sẽ không phải là tư cách thành viên đầy đủ của NATO, điều mà Nga vẫn kiên quyết phản đối như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Thay vào đó, các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp và Đức, có thể cung cấp các bảo đảm an ninh riêng lẻ cho Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine đã một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của việc NATO mời Ukraine gia nhập khối.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Pháp đã tái khẳng định ủng hộ Kiev, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự leo thang xung đột tại Ukraine gây thiệt hại cho người dân thường và cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia này.
Tổng thống Zelensky vừa bổ nhiệm Thiếu tướng Mykhailo Drapatyi (42 tuổi) làm Tư lệnh Lục quân, thay cho Trung tướng Oleksandr Pavliuk, người đã nắm quyền chỉ huy lực lượng lục quân sau cuộc cải tổ lớn vào tháng 2-2024. Tổng thống Zelensky cho biết, những thay đổi nội bộ là cần thiết khi Nga đạt được những bước tiến ở phía Đông và quân đội Kiev đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực.