Hiện nay các ngân hàng thương mại đã công bố áp dụng “Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ” phiên bản số 600 (gọi tắt là UCP 600)) do Phòng Thương mại quốc tế ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. UCP 600 chuyên ứng dụng vào nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu bằng phương thức tín dụng chứng từ (L/C). Vậy so với phiên bản UCP 500 đã được ứng dụng từ năm 1993, UCP 600 có những gì nổi bật? Bà Phan Bích Vân, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết:
So với phiên bản cũ, UCP600 có nhiều điểm nổi bật hơn. Các từ ngữ trong thanh toán quốc tế được ghi ngắn gọn và rõ ràng hơn, các điều kiện giao dịch được cụ thể hóa hơn và không còn mơ hồ để có thể tạo ra tranh chấp giữa các bên. Cụ thể, UCP 600 giải thích các quy định pháp lý trong tín dụng và bổ sung mới như cho phép dùng các thuật ngữ “hạng nhất”, thời gian xử lý chứng từ đã được rút ngắn từ 7 ngày xuống 5 ngày…
UCP 600 quy định nếu xuất trình chứng từ phù hợp thì phải thanh toán; nếu xuất trình không phù hợp, ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận… có quyền từ chối thanh toán hoặc thương lượng thanh toán. Ở điều khoản 28, UCP 600 có quy định rõ ngoài đại lý, còn có thêm “người ủy quyền” tham gia bảo hiểm; quy định không gian bảo hiểm; quy định mức bảo hiểm tối thiểu: có thể bằng % của giá trị hàng hóa hoặc % giá trị hóa đơn…
Sacombank chi nhánh quận 4 cũng vừa tổ chức hội thảo tập huấn quy tắc UCP 600 với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn quận 4 nhằm giúp các doanh nghiệp này hiểu rõ hơn về UCP 600, hạn chế những rủi ro trong thanh toán quốc tế. Các doanh nghiệp cũng có thể đến các điểm giao dịch Sacombank để được thông tin và tư vấn thêm về những thay đổi giữa UCP 500 và UCP 600. Trong giai đoạn đầu chuyển tiếp từ UCP 500 sang UCP 600, nếu doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C áp dụng theo quy tắc cũ (UCP 500) thì phải thỏa thuận trước với đối tác nước ngoài và phải ghi rõ trong giấy đề nghị phát hành L/C để tránh trường hợp L/C phát hành bị ngân hàng nước ngoài từ chối.
Thủy Dương