Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban TC-NS cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị trong Dự thảo luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và cho rằng, nhìn chung, các quy định của Dự thảo luật đã bám sát và thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước trong quản lý nợ công.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TC-NS nhận thấy, riêng các quy định liên quan đến việc xác định cơ quan đầu mối quản lý nợ công còn chưa được quán triệt đầy đủ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công).
Theo đó, Chính phủ giải trình và đề nghị quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ.
Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công là cần thiết, nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Cụ thể, người đứng đầu Ủy ban TC-NS giải trình, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần tuân thủ nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TC-NS đề nghị quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công; giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trong quản lý nợ công; Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công. Việc chỉ quy định chung chung, không xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong nội dung Dự thảo luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung phải giao Chính phủ quy định, chưa bảo đảm tính cụ thể, chưa hạn chế tình trạng “luật khung, luật ống”, sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Tỏ ra còn băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cơ quan thẩm tra báo cáo thêm về tác động của việc quy định mô hình quản lý nợ công mới. “Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có đến 10 đơn vị cấp vụ có liên quan đến quản lý nợ công, vừa qua mô hình ấy được và chưa được như thế nào? Tôi đề nghị chuẩn bị thêm và báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cũng nêu vấn đề: “Tại sao khi thấy có vướng mắc mà cơ quan soạn thảo, thẩm tra không đưa ra 2 phương án để chọn?".
Từ thực tế giám sát tổ chức bộ máy nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, vướng mắc này đã được đặt ra từ nhiều khoá Quốc hội, nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. Ông Uông Chu Lưu thiên về phương án cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công, vì nếu chỉ quy định chung chung thì không có gì thay đổi so với trước.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói: “Tại hội thảo tổng kết 20 năm thu hút vốn ODA ở Đà Nẵng thì mô hình quản lý nợ công như hiện nay được xác định là không hiệu quả. Bây giờ vẫn giữ nguyên 3 đầu mối như vậy mà bảo vẫn hiệu quả thì không thuyết phục”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của chính sách mới, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.