Ông Đoàn Thanh Liêm, 67 tuổi, ngụ khu vực Long Châu (phường Tân Lộc), bức xúc nói: “Gia đình tôi chỉ có 3,3 công đất nhưng có đến 3 người con. Đây là phần đất của ông bà khai phá ngày xưa và để lại cho con cháu canh tác. Tuy nhiên đã nhiều năm, tôi làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét cấp giấy CNQSDĐ, vẫn không được giải quyết…”.
Đồng cảnh ngộ trên, ông Đoàn Minh Sư (ở khu vực Long Châu) bày tỏ: “Nhà tôi có tới 8 anh em và lâu nay canh tác 3,3 công đất do ông bà để lại. Khi còn sống, cha tôi đã vác đơn đi gõ cửa khắp nơi nhờ ngành chức năng xem xét cấy giấy CNQSDĐ, song tất cả đều vô vọng. Năm 2015, cha tôi qua đời và từ đó đến nay tôi cũng gửi nhiều đơn kiến nghị, nhưng mọi việc cứ giẫm chân tại chỗ”.
Đưa chúng tôi ra xem khu đất của dòng họ Đoàn rộng khoảng 5,1ha ở khu vực Long Châu; ông Đoàn Huệ Cang (canh tác 3,6 công) cho biết: “Dòng họ Đoàn có mặt ở cù lao Tân Lộc lâu đời và mỗi gia đình chỉ được vài công đất do ông bà để lại. Không hiểu sao chính quyền địa phương lại trưng dụng phần đất này, khiến đời sống của nhiều hộ dân vô cùng khó, vì không còn điều kiện sản xuất…”.
Theo UBND TP Cần Thơ, năm 1960, chế độ cũ thiết lập bản đồ địa bộ thể hiện các ông Đoàn Văn Tánh, Đoàn Văn Tình và Đoàn Văn Khanh đứng tên chủ đất ở khu vực này. Năm 1962, ông Tánh, ông Tình và ông Khanh lập tờ thuận phân chia đất ruộng, đất thổ cho các con sử dụng. Sau năm 1975, các hộ dân tiếp tục sử dụng phần đất này trồng lúa, hoa màu ở nơi đất cao, còn nơi đất trũng thì trồng ấu, lát… Tuy nhiên, đến năm 1981, UBND xã Tân Lộc tiến hành trưng dụng một phần đất trũng nằm trong khu Khai Long (có dính đến đất của dòng họ Đoàn, nhưng không có quyết định thu hồi đất) để làm quỹ đất địa phương.
UBND xã Tân Lộc giao đất cho HTX trồng lát nhưng không hiệu quả, nên lấy lại và giao cho xã đội trồng mía, chất chà bắt cá… Năm 1988, phần đất trên được giao cho Công ty Thủy sản Thốt Nốt khai thác, tuy nhiên chỉ được vài năm công ty này giải thể. Năm 1995, dòng họ Đoàn với 11 hộ dân đã làm đơn khiếu nại xin lại phần đất bị chính quyền trưng dụng, song không được giải quyết.
Sau đó, UBND huyện Thốt Nốt (cũ) chỉ đạo giao phần đất trên cho Huyện đội Thốt Nốt quản lý. Huyện đội đem cho ông Đặng Văn Hải thuê, khai thác trong 15 năm. Ông Hải khai thác cũng không hiệu quả, nên cho một số hộ dân khác thuê lại… Khoảng năm 2010, UBND quận Thốt Nốt chuyển sang cho ông Nguyễn Văn Tâm thuê khu đất này để sản xuất cá tra giống; tuy nhiên khi thi công, 11 hộ dân đứng ra khiếu nại và ngăn cản…
Ông Đoàn Thanh Liêm cho rằng, đây là đất của ông bà dòng họ Đoàn để lại cho con cháu. Tuy nhiên, địa phương tự ý trưng dụng vào mục đích “cho thuê” tràn lan, chứ không hề sử dụng vào việc công ích xã hội; trong khi nông dân không còn đất sản xuất và phải vất vả mưu sinh. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng trả lại phần đất trên và cấp giấy để nông dân sản xuất nuôi sống gia đình…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đỗ Văn Hùng, Phó phòng TN-MT quận Thốt Nốt, lý giải: “Sự việc 11 hộ ở khu vực Long Châu khiếu nại đòi lại đất kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do người dân yêu cầu cấp giấy đất, trong khi theo Luật Đất đai năm 2003 thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai…”.
Theo luật sư Phạm Hữu Hòa (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), nguồn gốc đất đã được các ngành chức năng xác nhận là của dòng họ Đoàn. Ngoài ra, đây cũng không phải là đất bãi bồi, không thuộc diện nhường cơm xẻ áo, không có đưa vào HTX thời đó… Do đó, vấn đề hiện nay là cần xác định vào năm 1981, việc UBND xã Tân Lộc trưng dụng phần đất trên có đúng hay không… Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ cần giải quyết vụ việc này bằng quyết định hành chính sẽ hợp lý hơn cách trả lời bằng những thông báo dẫn đến khiếu nại kéo dài…