Theo đó, hai bên hợp tác thực hiện 8 chương trình trọng điểm, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, tăng trưởng năng lực cạnh tranh của kinh tế; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập úng; giảm ô nhiễm môi trường; hợp tác giữa ĐHQG-HCM và Khu Công nghệ cao TPHCM; phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
Đặc biệt, thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển giữa ĐHQG-HCM và Khu Công nghệ cao TP sẽ xây dựng mối liên kết đại học - doanh nghiệp nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời cũng nghiên cứu phát triển phục vụ sản xuất, phát triển kinh doanh. Thỏa thuận hợp tác bao gồm các chương trình hợp tác đào tạo, tham quan thực tập, hợp tác nghiên cứu phát triển, với kinh phí hỗ trợ và trang thiết bị sẽ do hai bên cung cấp theo từng dự án.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM, đánh giá thỏa thuận hợp tác giai đoạn này là bước tiến mới, theo hướng toàn diện hơn, sâu rộng hơn, hiệu quả hơn trong các lĩnh vực là thế mạnh của TPHCM nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định: Mối liên kết giữa nhà trường và nhà khoa học thời gian qua còn lỏng lẻo, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập quỹ KH-CN rất thấp với chỉ 116/335.000 doanh nghiệp có thành lập quỹ. Do vậy, với thỏa thuận này, 2 đơn vị cần quan tâm phối hợp hỗ trợ 3 nội dung: hỗ trợ để TP tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN; hỗ trợ TP tạo ra nguồn lao động chất lượng cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ TP sớm hình thành trung tâm mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.