UBND TPHCM trình HĐND TP đề án phát triển hệ thống metro

Trình Hội đồng nhân dân Thành phố Ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương về một số nội dung chủ yếu của Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai thực hiện.

UBND TPHCM trình HĐND TP đề án phát triển hệ thống metro

Chiều 27-6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ký ban hành Tờ trình số 3583/TTr-UBND trình Hội đồng nhân dân Thành phố Ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương về một số nội dung chủ yếu của Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai thực hiện.

metro-1-7522.jpeg
Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo tờ trình, để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM, UBND TP đã hoàn thiện Đề án gồm 6 nhóm với 28 cơ chế; trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 1 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Cụ thể, nhóm cơ chế về quy hoạch; nhóm cơ chế về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nhóm cơ chế về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; nhóm cơ chế về huy động nguồn vốn; nhóm cơ chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; nhóm cơ chế về tổ chức quản lý, khai thác.

Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2035, xây dựng hoàn thành khoảng 183km metro. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 (40,8km/40,8km); tuyến đường sắt đô thị số 2 (20,22km/62,8km); tuyến đường sắt đô thị số 3 (29,53km/62,17km); tuyến đường sắt đô thị số 4 (36,82km/43,4km); tuyến đường sắt đô thị số 5 (32,5km/53,87km); tuyến đường sắt đô thị số 6 (22,85km/53,8km).

Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 2 (42,58km); tuyến đường sắt đô thị số 3 (32,64km); tuyến đường sắt đô thị số 4 (6,58km); tuyến đường sắt đô thị số 5 (21,37km); tuyến đường sắt đô thị số 6 (30,95km); tuyến đường sắt đô thị số 7 (51,23km).

metro-6226.jpeg
Ảnh: QUỐC HÙNG

Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 (theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km. Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 8 (42,8km); tuyến đường sắt đô thị số 9 (28,3km); tuyến đường sắt đô thị số 10 (87,84km).

Đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị có quy mô tương đương với tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 183km. Trong đó, đến năm 2030 hoàn thành khoảng 31km đường sắt đô thị, bao gồm tuyến đường sắt đô thị số 1(đoạn Bến Thành - Suối Tiên), tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương), 24 nhà ga và 2 depot (khoảng 107ha). Tổng mức đầu tư khoảng 91.647,992 tỷ đồng.

Đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị; 148 nhà ga (khoảng 585 ha). Tổng mức đầu tư 824.495,704 tỷ đồng.

Đến năm 2045 hoàn thành thêm 168,36km, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351km. Đến năm 2060 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch được duyệt, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km.

Tin cùng chuyên mục