UBND TPHCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM ​

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 95,38% tổng số ĐBQH. Theo nghị quyết, UBND TPHCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM

Bằng nghị quyết này, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM (sau đây gọi là Dự án) với mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM, kết nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng khoảng 76,34 km đường, chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công.

UBND TPHCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM ​ ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha.

Đáng lưu ý, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 29.676 tỷ đồng.

Trong tổng nguồn vốn ngân sách địa phương, TPHCM sẽ cân đối 19.449 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai 1.567 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương là 7.808 tỷ đồng và tỉnh Long An là 852 tỷ đồng.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2022, Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trong tổ chức thực hiện Dự án, UBND TPHCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

UBND TPHCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM ​ ảnh 3 ĐBQH bấm nút thông qua dự án. Ảnh: QUANG PHÚC
Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
Và, cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
---------------------------

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Phấn đấu sớm có mặt bằng để khởi công dự án

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM vừa được Quốc hội thông qua. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những công việc phải triển khai.
UBND TPHCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM ​ ảnh 4 Đồng chí Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết cảm xúc khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM?
Đồng chí PHAN VĂN MÃI: Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Cảm xúc của tôi hiện giờ là rất vui, nhưng cũng rất lo. Mừng vui vì có được 1 dự án lớn, giúp tháo gỡ điểm nghẽn và mở ra không gian, tạo động lực phát triển mới cho cả vùng. Đường Vành đai 3 TPHCM đi qua trực tiếp 4 địa phương là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mừng vì thế, và lo vì dự án lớn như thế, phải triển khai khối lượng công việc rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên lo là để chuẩn bị tốt hơn, để làm tốt hơn, nhất là lo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), khi phải GPMB và tái định cư cho cho gần 4.000 hộ dân.- Ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án này đã rất rõ, vấn đề quan trọng hiện nay là khâu triển khai dự án sau khi Quốc hội thông qua. Vậy, TPHCM sẽ bắt tay bằng những phần việc trọng tâm nào?
Ngay sau đây, TPHCM sẽ tập trung 5 trọng tâm để triển khai dự án.Thứ nhất, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án. Đặc biệt là sau Nghị quyết của Quốc hội, TPHCM sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai dự án. Đây là điều rất quan trọng.Thứ hai, sẽ thành lập tổ chức bộ máy triển khai dự án, trong đó kiện toàn Tổ công tác. Để chuẩn bị cho hồ sơ dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 1 Tổ công tác do tôi làm Tổ trưởng cùng thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tới đây sẽ thành lập Ban chỉ đạo hoặc Ban chỉ huy, Văn phòng dự án, Hội đồng cố vấn gồm các nhà quản lý, chuyên gia để giúp chúng tôi triển khai dự án; cơ chế hoạt động thường xuyên hàng tuần, hàng tháng; các quản lý dự án thành phần.Thứ ba, tiến hành các thủ tục về vốn, hoàn thiện các thủ tục để làm sao lên kế hoạch vốn trung ương, vốn địa phương đảm bảo đúng tiến độ giải ngân.Thứ tư, tập trung công tác tái định cư, GPMB cho các trường hợp cần thu hồi đất để thực hiện dự án. Đây là vấn đề lớn. Vì vậy trong quá trình chuẩn bị báo cáo chủ trương đầu tư thì chúng tôi đã đề xuất tách GPMB ra thành dự án thành phần. TPHCM sẽ lên kế hoạch cụ thể, thống nhất chính sách đền bù - tái định cư, hỗ trợ sinh kế, tuyên truyền vận động người dân… Chúng tôi xác định chính sách bồi thường và quỹ nhà, để bố trí tạm cư, hoặc nếu bà con đồng ý thì chúng tôi sẽ bố trí tái định cư. Đồng thời, có chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế giúp bà con ổn định sau khi GPMB, để có đời sống đảm bảo tốt hơn hiện tại. Riêng TPHCM, chúng tôi đã sẵn sàng một kế hoạch, đó là UBND TPHCM sẽ tổ chức một hội nghị với các địa phương có GPMB để bàn bạc chi tiết, từ kế hoạch, chính sách đến vấn đề tái định cư, sinh kế cho bà con. Trong kế hoạch chúng tôi đang chuẩn bị, bên cạnh chuẩn bị chính sách về bồi thường, hỗ trợ cụ thể, TPHCM cũng có những biện pháp để kịp thời khen thưởng, động viên tôn vinh những cá nhân, địa phương thực hiện tốt việc này. Dự án này đã được quy hoạch cả chục năm nay, người dân khao khát, chờ đợi mòn mỏi. Theo kế hoạch trình Quốc hội, chúng tôi hoàn thành GPMB vào quý 1-2024, nhưng sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2023 để cuối năm 2023 khởi công. Đặc biệt, ở khâu GPMB, chúng tôi rất mong các địa phương vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ lập kế hoạch, tài chính, chính sách GPMB để bảo đảm tiến độ chung. Nhân đây, tôi cũng kêu gọi bà con, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong diện thu hồi có sự đồng thuận với ý nghĩa của dự án lớn, tích cực tham gia, hỗ trợ để sớm có mặt bằng sớm khởi công dự án.Thứ năm là khẩn trương chuẩn bị kỹ các điều kiện, chọn lựa các tư vấn lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và các nhiệm vụ tư vấn khác. Về bố trí nguồn vốn cho dự án, TPHCM có ít nhất 3 kênh để bố trí vốn: các khoản cân đối tăng thu khác, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất dọc tuyến, chưa kể tới đây TPHCM sẽ sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa thì cũng thêm nguồn thu, rồi nguồn thu từ các quỹ đất khác… Nói chung, TPHCM xác định đây là việc rất quan trọng phải làm thì sẽ tập trung, dồn lực. Còn tất nhiên, trong quá trình dồn lực đó, có thể phải sắp xếp một số dự án khác chưa cấp thiết, hoặc điều kiện chuẩn bị chưa tới thì lùi lại đến năm sau. Nhưng nói chung sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.- Xin đồng chí cho biết về cơ chế phối hợp giữa TPHCM với các địa phương khi triển khai dự án, đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng?
Tổ chức thực hiện là vấn đề lớn, bởi đây là dự án trải dài ở 4 địa phương, nên sự phối hợp giữa 4 tỉnh, thành phải nhịp nhàng với nhau, từ kế hoạch cho đến chính sách, cho đến kết quả cuối cùng trên thực địa… Vì vậy, ngoài thành lập Ban chỉ đạo, chúng tôi cũng thành lập Ban chỉ huy và Văn phòng dự án, lập Hội đồng cố vấn, tập hợp các nhà quản lý chuyên nghiệp và chuyên gia để giúp TPHCM và địa phương xây dựng được tiến độ phù hợp nhất, lựa chọn những cách thức triển khai phù hợp nhất và kịp thời nhận diện những khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ. UBND TPHCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục