Phản hồi ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Đồ án điều chỉnh QH chung xây dựng đô thị TPHCM đến 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, UBND TPHCM cũng đã ban hành quy định để triển khai.
Dân số tăng cơ học (bình quân hàng năm khoảng 130.000 người) tác động rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông. Theo thống kê mới nhất, số xe gắn máy tại TP khoảng 7,6 triệu, xe ô tô 700.000 chiếc. Cứ mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới được đăng ký tại TPHCM, bình quân mỗi ngày 1.000 chiếc, trong khi đường sá tuy có mở rộng cũng không thể giải quyết kịp với lượng phương tiện gia tăng như vậy, chưa kể TPHCM là trung tâm kinh tế vùng nên lưu thông hàng hoá và phương tiện của các tỉnh lân cận đến TP cũng rất lớn. Tất nhiên, tình trạng này cũng tác động lớn đến hạ tầng xã hội.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, vấn đề chỉ có thể giải quyết khi phối hợp nhiều giải pháp, trong đó có phát triển giao thông công cộng. Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung, TP đã xúc tiến xây dựng các tuyến đường vành đai 2,3, xây dựng đường trên cao, đường sắt đô thị. TP đang phát triển 8 tuyến metro, chủ yếu bằng vốn ODA và PPP, nhưng ngay cả nguồn vốn ODA cho tuyến số 1 cũng đang gặp khó khăn, có thể khó đưa vào vận hành năm 2020 như dự kiến.
Bên cạnh phát triển giao thông công cộng, TPHCM xác định quản lý quy hoạch một cách chặt chẽ. “UBND TP dứt khoát không mềm lòng với tình trạng gia tăng dân số ở những khu đô thị đã được phê duyệt khi chưa phát triển đồng bộ với giao thông công cộng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Liên quan đến những tuyến đường “nóng” về ùn tắc giao thông thời gian qua là khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và đường xuống cảng Cát Lái, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định khẩn các giải pháp đầu tư để giải quyết ùn tắc giao thông. Với 37 điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn, TP chủ động phân luồng, tuyến hợp lý; huy động cả các lực lượng khác hỗ trợ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.
Về chống ngập, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, “muốn trị được bệnh phải chẩn đoán đúng nguyên nhân và thực tế có rất nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân cần có những giải pháp phù hợp”, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình.
“TP sẽ sớm báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội đề án ứng phó với triều cường. Nhưng cái đó cũng chỉ giải quyết được một phần thôi. Những giải pháp khác là tăng cường quản lý, nâng cao ý thức cho người dân để không xả rác, không tác động đến dòng chảy của kênh mương và hồ điều tiết”.