UBND TPHCM đề xuất tu bổ nhiều khu di tích lịch sử

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình bày 16 tờ trình để HĐND TPHCM xem xét cho ý kiến, thông qua chủ trương đầu tư, tu bổ nhiều khu di tích lịch sử trên địa bàn thành phố.

Sáng 18-4, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án dân sinh trên địa bàn TPHCM. Chủ trì kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XV.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình bày 16 tờ trình để HĐND TPHCM xem xét cho ý kiến. Trong đó, trình HĐND TPHCM quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3).

Dự án được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015 với tổng mức đầu tư là 110 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, đến năm 2020, dự án chỉ giải ngân được 300 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2025, dự án cần hơn 109 tỷ đồng để hoàn thiện.

Đến nay, UBND TPHCM đề nghị HĐND TPHCM xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2018 thành từ năm 2023 đến năm 2025.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng tại kỳ họp, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn (1955-1958).

Hiện khu di tích này đã xuống cấp, hư hỏng như mái ngói ẩm mốc, gỗ bị cong vênh, bị mục, mối mọt, tường rào bao quanh không còn đảm bảo tính an toàn, trần và tường bị bong tróc. Việc tu bổ di tích cũng nhằm bảo quản tư liệu, hiện vật, tạo không gian trưng bày, giới thiệu về di tích để xứng tầm là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo đó, dự kiến dự án có tổng mức đầu tư là 14,8 tỷ đồng do Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.

UBND TPHCM cũng trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (giai đoạn 1).

Các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Di tích lịch sử này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Đây là công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Phú và một số đồng chí là cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Tuy nhiên hiện nay, công trình đã xuống cấp khá nặng, cần được đầu tư tu bổ. Việc tu bổ cũng đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân thành phố.

Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư là 33,3 tỷ đồng do Trung tâm Văn hóa quận 5 làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.

Tin cùng chuyên mục