UBND TPHCM vừa đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức phản biện xã hội đối với Đề án Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021. Việc phản biện nhằm góp phần hoàn thiện đề án, đảm bảo việc triển khai đề án đạt hiệu quả cao nhất.
TPHCM hiện có 24 quận, huyện với 322 phường, xã, thị trấn. UBND TPHCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng nhằm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, TPHCM chủ động đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể, ở cấp huyện, TPHCM nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới – thành phố Thủ Đức.
Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.
Kỳ vọng thành phố Thủ Đức chỉ thua GRDP của Hà Nội, hơn Bình Dương, Đồng Nai
Về cơ sở, lý do của việc sắp xếp, UBND TPHCM cho biết, năm 1997, huyện Thủ Đức được giải thể và hình thành 3 quận mới trên diện tích của huyện Thủ Đức: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.
Qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 3 quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển TPHCM, như Khu Công nghệ cao TPHCM (giai đoạn 2010-2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD), cụm Đại học phía Đông TPHCM (với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ); khu vực này còn có Vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng container Cát Lái lớn nhất Việt Nam...
Đây là các tiền đề rất quan trọng để có thể hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của thành phố, là vùng động lực phát triển kinh tế mới cho TPHCM, là mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với môi trường sống thân thiện, khuyến khích phát triển gia đình bền vững. Từ đó, TPHCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển Vùng, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Từ thực tiễn phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Đông TPHCM (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) với các khu chức năng hiện hữu được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đây là trung tâm kết nối, chuyển giao công nghệ, đào tạo, nghiên cứu của TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và của cả nước. Từ các định hướng, quy hoạch trong tương lai, nơi đây kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai).
Để khu đô thị sáng tạo tương tác cao phát huy tác dụng, theo UBND TPHCM, thì nó phải được quản lý về mặt nhà nước bởi một đơn vị hành chính, chứ không thể thuộc 3 quận như hiện nay. Do đó, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, sự chủ động cao để phát huy tổng hợp thế mạnh của 3 quận, của thành phố, khu vực và cả nước; và có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM thành một “cực” tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất của thành phố và khu vực.
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế khi sáp nhập phường
TPHCM dự kiến sắp xếp 19 phường.
Cụ thể, quận 2 sắp xếp 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Thủ Thiêm. Trong đó, phường An Khánh (rộng 1,74km2 với 124 người) sáp nhập với phường Thủ Thiêm (rộng 1,5km2 với 304 người) thành phường mới là phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh (rộng 2km2 với 4.300 người) sáp nhập với phường Bình An (rộng 1,9km2 với 18.800 người) thành phường An Khánh.
Phường An Khánh và phường Thủ Thiêm là 2 phường giải tỏa trắng nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có vị trí tiếp giáp nhau nên khi thực hiện sáp nhập với nhau sẽ thuận lợi, đồng bộ về sau khi hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 3,2km2 (đạt tỷ lệ 59%), quy mô dân số 428 người (đạt tỷ lệ 2,9%) chưa đảm bảo theo quy định nhưng trong tương lai gần, dân số sẽ đạt trên 130.000 người theo quy hoạch, lớn hơn khoảng 8 lần so với quy định. Khi đó, khả năng quản lý điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở sẽ bị áp lực lớn trong điều kiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.
Phường Bình Khánh và phường Bình An là 2 phường đều có một phần giải tỏa trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có vị trí tiếp giáp nhau, đồng thời về yếu tố lịch sử thì phường Bình Khánh và phường Bình An trước đây được tách ra từ xã An Khánh thuộc huyện Thủ Đức cũ nên về khi thực hiện sáp nhập với nhau sẽ thuận lợi hơn.
Sau khi sáp nhập, phường An Khánh mới có diện tích tự nhiên 4km2 (tỷ lệ 71% so với quy định), quy mô dân số 23.154 người (tỷ lệ 154% so với quy định). Tuy diện tích tự nhiên chưa đảm bảo theo quy định nhưng tỷ lệ mật độ xây dựng ở các phường này là rất lớn, với dự án 12.500 căn hộ (đến nay đã hoàn thành 5.334 căn hộ), các khu chung cư đã và đang xây dựng trên địa bàn (trung bình mỗi căn hộ là 60m2 thì mật độ sàn xây dựng các khu chung cư trên địa bàn dự kiến diện tích sẽ đạt trên 5,5km2). Đồng thời, trong tương lai gần, dân số sẽ tăng rất nhanh khi các khu chung cư hoàn thành đưa vào sử dụng.
Quận 3 sáp nhập phường 6 (rộng 0,88km2 với 7.263 người) với phường 7 (rộng 0,9km2 với 12.600 người) và phường 8 (rộng 0,4km2 với gần 16.900 người) thành phường Võ Thị Sáu.
Quận 4 sáp nhập phường 5 (rộng 0,16km2 với 5.100 người) và phường 2 (rộng 0,19km2 với 11.900 người) thành phường 2; sáp nhập phường 12 (rộng 0,4km2 với 7.300 người) và phường 13 (rộng 0,42km2 với 11.200 người) thành phường 13.
Quận 5 sáp nhập phường 12 (rộng 0,38km2 với 6.400 người) và phường 15 (rộng 0,19km2 với 10.900 người) thành phường 12.
Quận 10 sáp nhập phường 3 (rộng 0,1km2 với 6.000 người) với phường 2 (rộng 0,2km2 với 18.800 người) thành phường 2.
Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 (rộng 0,16km2 với 6.800 người) và phường 11 (rộng 0,22km2 với 8.600 người) thành phường 11; sáp nhập phường 14 (rộng 0,15km2 với 7.200 người) và phường 13 (rộng 0,14km2 với 9.400 người) thành phường 13.
UBND TPHCM đánh giá, việc sáp nhập hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới (giảm được đầu mối cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là cấp xã).
Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bộ máy hành chính nhà nước mới có thể đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Tuy vậy, UBND TPHCM đánh giá, việc sắp xếp có tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước cũng như tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn so với trước đây có thể phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, bất cập trong việc quản lý đơn vị hành chính mới như: công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội... Bên cạnh đó, quá trình sắp xếp quận, phường còn phải đảm bảo chế độ chính sách đối với những người tiếp tục làm việc cũng như người thuộc diện dôi dư.
Ở khía cạnh kinh tế - xã hội, việc sắp xếp quận, phường giúp giảm gánh nặng chi thường xuyên ngân sách được hạn chế chi cho lương; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân. Sau khi sắp xếp công tác lập kế hoạch, quy mô dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội được quy hoạch tổng thể, không gian phát triển sẽ không còn bị chia cắt, manh mún, phân tán nguồn lực.
Không thu phí, lệ phí chuyển đổi giấy tờ do sáp nhập
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, UBND TPHCM đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới; cần có thời gian để thực hiện việc thay đổi.
UBND TPHCM đánh giá, việc sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư bước đầu có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân khi nhập với đơn vị hành chính mới; ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống nhân dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.
Trong khi đó, một số công việc đang được triển khai thực hiện ở các địa phương trên địa bàn quận, phường sáp nhập sẽ chậm tiến độ vì bàn giao cho cơ quan quản lý mới, không liên tục và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định như: các dự án, công tác kiểm kê đất đai... sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện theo kế hoạch chung.
Cán bộ dôi dư: sắp xếp, bố trí, hoặc giải quyết thôi việc
TPHCM có phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp. Theo đó, đối với cán bộ, công chức cấp quận dôi dư sau sáp nhập thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng.
Cụ thể phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư: giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử; điều động sang quận, huyện khác hoặc xét chuyển thành công chức TPHCM; giải quyết thôi việc. TPHCM thực hiện quy định số lượng cấp phó, số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị liên quan do sáp nhập, hợp nhất trong khoảng thời gian đầu có thể cao hơn quy định; giảm dần đến năm 2025 đảm bảo số lượng biên chế và bố trí đúng quy định. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TPHCM.
Đối với lao động hợp đồng dôi dư, sẽ bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị khác trong thành phố còn thiếu. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, sau khi sắp xếp 19 phường thành các đơn vị hành chính mới, tổng số cán bộ, công chức của 19 phường hiện có 308 người, tổng số người hoạt động không chuyên trách là 276. Theo đó, sẽ bố trí ở các đơn vị hành chính cấp xã mới là 201 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách 127 người, số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 107 người, số lượng người hoạt động không chuyên trách dôi dư 151 người. Phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư là: giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử; điều động sang phường khác hoặc xét chuyển thành công chức cấp huyện; giải quyết thôi việc; thực hiện tinh giản biên chế.
Thực hiện quy định số lượng cấp phó, số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị liên quan do sáp nhập, hợp nhất trong khoảng thời gian đầu có thể cao hơn quy định; giảm dần đến năm 2025 đảm bảo số lượng biên chế và bố trí đúng quy định. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ; bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị (xã, phường, thị trấn) trong quận, huyện còn thiếu; trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Trụ sở dôi dư: phục vụ mục đích công cộng
TPHCM có phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại quận, phường mới hình thành sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở ở các đơn vị hành chính cũ.
Cụ thể, với thành phố Thủ Đức, Trụ sở của Trung tâm hành chính, chính trị, các cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thành phố Thủ Đức đặt tại các trụ sở tại quận 2 (quận cũ); các trụ sở của quận 9, quận Thủ Đức hiện nay bàn giao cho UBND thành phố Thủ Đức quản lý, tạm thời sử dụng sau đó sắp xếp hợp lý, phù hợp.
Đối với các phường mới thuộc thành phố Thủ Đức, phường Thủ Thiêm (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường Thủ Thiêm (cũ); trụ sở phường An Khánh hiện nay bàn giao cho UBND phường Thủ Thiêm mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.
Phường An Khánh (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường Bình An (cũ); trụ sở phường Bình Khánh hiện nay bàn giao cho UBND phường An Khánh mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.
Tại quận 3, phường Võ Thị Sáu (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 6 (cũ); trụ sở phường 7, phường 8 hiện nay bàn giao cho UBND phường Võ Thị Sáu mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.
Tại quận 4, phường 2 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 2 (cũ); trụ sở phường 5 hiện nay bàn giao cho UBND phường 2 mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng. Phường 13 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 13 (cũ); trụ sở phường 12 hiện nay bàn giao cho UBND phường 13 mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.
Tại quận 5, phường 12 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 12 (cũ); trụ sở phường 15 hiện nay bàn giao cho UBND phường 12 mới quản lý.
Tại quận 10, phường 2 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 2 (cũ); trụ sở phường 3 hiện nay bàn giao cho UBND phường 2 mới quản lý.
Tại quận Phú Nhuận, phường 11 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 11 (cũ); trụ sở phường 12 hiện nay bàn giao cho UBND phường 11 mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng. Phường 13 (đơn vị mới thành lập) đặt trụ sở tại UBND phường 13 (cũ); trụ sở phường 14 hiện nay bàn giao cho UBND phường 13 mới quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng.