Theo đó, chỉ thị nhấn mạnh, TPHCM đang khởi đầu năm học mới trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, hệ thống chính trị và nhân dân TP nỗ lực quyết tâm phát huy sức mạnh của tập thể để kiểm soát dịch Covid-19.
Với mục tiêu “Giáo dục TPHCM vượt qua đại dịch, vững vàng phát triển”, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.
Trong đó, toàn ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các chương trình, giải pháp thực hiện việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, tăng cường các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trường học, nhất là trong tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện việc mạnh dạn đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn, chú trọng giáo dục thể chất, y tế trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế và triển khai giáo dục thông minh làm cơ sở đẩy mạnh học tập suốt đời.
UBND TP yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học bằng những giải pháp linh hoạt, cụ thể nhằm giải quyết căn bản các khó khăn, thách thức từ thực tiễn.
Cụ thể, đối với bậc mầm non, chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón trẻ đến trường khi đảm bảo điều kiện, phối hợp và hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trong thời gian trẻ chưa đến trường qua internet, truyền hình và các kênh phù hợp.
TP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, mạnh dạn đổi mới và vận dụng các phương pháp tiên tiến trong tổ chức các hoạt động và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông, các cơ sở trường học phát huy tối đa hiệu quả hoạt động dạy và học trên môi trường internet, các hình thức dạy và học trực tuyến phù hợp, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh các lớp nhỏ làm quen với hình thức học tập mới, bước đầu tạo kho học liệu mở, hệ sinh thái học tập trên môi trường internet.
TP sẽ tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức kiểm tra – đánh giá trên nền tảng giáo dục thông minh và theo định hướng chuẩn quốc tế, khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giáo dục các kỹ năng phù hợp thực tiễn.
Riêng đối với giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học, cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, TP cũng tập trung rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo và đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đối với hoạt động đồng hành cùng các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay UBND TP đã xây dựng chính sách không thu học phí có thời hạn, đồng thời triển khai giãn thu học phí trong thời gian chờ ban hành chính sách và giảm thiểu các chi phí phát sinh để hỗ trợ phụ huynh, tạo điều kiện cho học sinh đến trường thuận lợi.
Trong đó, TP sẽ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua khó khăn của dịch bệnh, nhất là giáo dục mầm non. Song song đó, ngành giáo dục cũng tiến hành vận động tài trợ, có giải pháp cụ thể nhằm quan tâm và hỗ trợ từng học sinh để hạn chế tối đa những khó khăn về điều kiện học tập trên môi trường internet.
Song song đó, UBND TP cũng giao trách nhiệm cho Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT TP trong việc xây dựng các phương án, biện pháp phòng, chống dịch và các dịch bệnh khác trong nhà trường một cách hiệu quả, trong đó có việc ưu tiên chích vaccine cho đội ngũ nhà giáo, nghiên cứu và có kế hoạch tiêm vaccine cho đối tượng học sinh ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp đảm bảo nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, ưu tiên nguồn kinh phí để hỗ trợ cải tạo, sửa chữa trường lớp nhằm tận dụng “thời gian vàng” học trực tiếp khi học sinh có thể quay lại trường học.
Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện tốt công tác giao biên chế cho ngành giáo dục cũng như thực hiện việc thuyên chuyển, tuyển dụng, đảm bảo số lượng và chất lượng cán bộ, giáo viên các cấp học, bậc học, đáp ứng kịp thời nhu cầu đội ngũ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Riêng đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc, các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học và Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.