Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-4-2024, quy định nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Cục thuế TPHCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Theo đó, Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm xác định rõ nội dung cần lấy ý kiến, gửi đầy đủ hồ sơ và nêu rõ chính kiến. Các cơ quan khác có trách nhiệm phải trả lời đầy đủ, có chính kiến về các nội dung được yêu cầu.
Việc lấy ý kiến sử dụng hình thức công văn. Nếu quá 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hành công văn trên hệ thống thư điện tử thành phố, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.
Theo quy chế, Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông tin về dự án nhà ở xã hội. Sau 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ của người mua dự kiến từ chủ đầu tư, phải chuyển thông tin đến các sở, ngành liên quan để phối hợp xác minh.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến phối hợp của các sở, ngành, Sở Xây dựng phải phản hồi cho chủ đầu tư về danh sách người mua nhà ở xã hội được duyệt, cập nhật danh sách này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Trường hợp có phản ánh, tố cáo về người mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng phải đề nghị Sở Tư pháp, Cục thuế TPHCM và các Cục thuế (ngoài địa bàn TPHCM) để xác minh.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc sở hữu nhà, đất của người đăng ký mua nhà ở xã hội trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm xác nhận hoặc chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xác nhận người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định; có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trong thời hạn 10 ngày.
Đáng chú ý, đối với những trường hợp cần thiết, Cục thuế TPHCM phải cung cấp thông tin về thuế thu nhập cá nhân và Sở Tư pháp phải cung cấp thông tin mua bán nhà đất liên quan người mua nhà ở xã hội.