UBND TPHCM ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp

UBND TPHCM vừa ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 trên địa bàn TPHCM.

UBND TPHCM ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp

Theo đó, căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 16-5-2024) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Văn bản hợp nhất số 01/VBHN- BGDĐT (ngày 22-4-2024) của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, khảo sát vào lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025.

Song song đó, các đơn vị có liên quan chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí từ ngân sách; bố trí nhân lực đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu, các hoạt động phục vụ công tác thi; đảm bảo an toàn tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các kỳ thi; thực hiện công tác thi và công tác tuyển sinh đúng quy chế thi, quy chế tuyển sinh.

Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác tuyển sinh; thống nhất hệ thống tuyển sinh trên toàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đăng ký nhập học cho trẻ, quy trình công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng.

Cụ thể, UBND TPHCM phân công nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT TPHCM là đầu mối theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp tổ chức các kỳ thi; thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TPHCM năm 2024 và Ban chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025.

Cùng với đó, Sở GD-ĐT TPHCM chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các kỳ thi cho toàn ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương; thực hiện nghiêm công tác ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt tốt nghiệp và cấp phát văn bằng theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.

Trong đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường, các điểm thi chuẩn bị tốt cho học sinh về kỹ năng làm bài thi và tâm lý trước, trong và sau kỳ thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về kỳ thi (thời gian thi, môn thi, nội quy, quy chế thi,...) và các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết để thực hiện.

Đồng thời, ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo nhân sự cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đầy đủ các nhiệm vụ theo phân công; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ cho tất cả các điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi, có tính toán phương án dự phòng đảm bảo cho mọi tình huống phát sinh.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi đảm bảo đúng quy định, chính xác, an toàn; phối hợp với Công an TP và các cơ quan liên quan phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, ngành giáo dục cần chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi, quy chế thi, quy định về tuyển sinh; đặc biệt lưu ý thí sinh về việc chấp hành các quy định trong phòng thi, các vật dụng không được đem vào phòng thi và các vấn đề liên quan đến bảo mật đề thi.

Trên cơ sở công bố kết quả của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục chủ động phân dữ liệu, đối chiếu với kết quả học tập của học sinh để báo cáo, đánh giá chất lượng dạy và học của các nhà trường trên địa bàn thành phố.

Căn cứ kết quả tuyển sinh thực tế vào lớp 10 tại các trường THPT, ngành giáo dục chủ động xây dựng phương án tuyển sinh bổ sung phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu thực tế của từng trường, đảm bảo quyền lợi của học sinh được học tại các trường công lập trên địa bàn.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp các sở, ban, ngành xây dựng các cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định pháp luật cho 2 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa để tham mưu UBND TPHCM trên cơ sở đảm bảo tiếp tục giữ vững các thành tích đã đạt được trước đây, đảm bảo nguồn học sinh giỏi chất lượng cao cho thành phố.

Riêng về công tác triển khai tuyển sinh đầu cấp, Sở GD-ĐT TPHCM giám sát việc tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại quận, huyện, TP Thủ Đức; kịp thời hướng dẫn về chuyên môn, báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố xử lý đúng quy định những nội dung chưa phù hợp.

Tin cùng chuyên mục