Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát báo cáo đề xuất cụ thể các nội dung: tình hình thiếu nước sạch trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây và giải trình cụ thể nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên. Trên cơ sở đó kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch. Báo cáo tổng thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và các nhà máy khác trên địa bàn TP theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco, cho rằng, người dân đặt vấn đề thiếu nước vừa qua là đúng, tuy nhiên, có sự nhầm lẫn chỗ tiến độ là nâng công suất đến năm 2023 chứ không phải công suất hiện tại.
“Từ 2014 công ty đề xuất giải pháp xây dựng đập ngăn mặn, nhưng ảnh hưởng đến môi trường, giao thông thủy nội địa… đến nay chưa quyết được. Vừa rồi công ty tiếp tục báo cáo 2 phương án là xây đập ngăn mặn tại Cầu Đỏ và nâng cấp trạm bơm An Trạch. Làm từ An Trạch về thì phải đào hết đường ĐT605 lên, khó khăn nhất là đường cao tốc vừa đưa vào hoạt động mà phải cho đào qua. Cái này phải xin phép ngoài bộ nữa vì cao tốc mới làm xong có cho đào ở dưới không. Vì nâng cấp phải đào lên làm thêm một đường ống nữa. Công suất trạm bơm tại An Trạch không đáp ứng được cho nhà máy nước Sân Bay và Cầu Đỏ, chứ không phải tại đó nước không đủ để bơm. Quan điểm của công ty vẫn muốn làm đập ngăn mặn tại Cầu Đỏ, với kỹ thuật hiện nay thì làm được, ít ảnh hưởng đến các yếu tố khác”, ông Hồ Hương giải thích.