Cụ thể, yêu cầu UBND huyện Lâm Hà điều tra, xác định và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan (UBND huyện, UBND xã, đơn vị chủ rừng, kiểm lâm) trong việc để xảy ra vụ phá rừng tại tiểu khu 261. Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng huyện Lâm Hà khẩn trương điều tra, xác minh, hoàn tất hồ sơ vụ phá rừng kể trên.
Trước đó, báo SGGP đã phản án vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 1, tiểu khu 261, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý (thuộc địa bàn xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Tại hiện trường, hàng trăm gốc thông bị đốn hạ trong thời gian dài, trong đó nhiều cây vừa bị chặt hạ lá còn xanh nằm ngổn ngang trên khu vực rộng, những cây thông có đường kính gốc từ 15 – 45cm.
Cách đó không xa, một ngọn đồi đã bị máy ủi “cạo trọc” bề mặt để chuẩn bị đưa vào canh tác. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng phá rừng đã cắt thông thành từng đoạn gom đốt phi tang.
Được biết, khu rừng thông ba lá bị phá được trồng năm 1996. Trước đó vào năm 2018 cũng tại khu vực này có 87 cây thông cũng bị cưa hạ, diện tích thiệt hại 2.730m2. Bước đầu cơ quan xác định các đối tượng phá rừng để lấy đất sản xuất.
Trong khi vụ phá rừng đang được điều tra thì cũng ngay tại khoảnh 4, tiểu khu 261A, thuộc địa bàn xã Phi Tô (Lâm Hà), lâm phần do Ban QLRPH Lâm Hà quản lý lại xảy ra vụ cưa hạ trái phép 98 thông 3 lá trên diện tích hơn 5.000m2.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra.