Trong năm 2023, các sở, ban, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nhận giải quyết gần 22,6 triệu hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết hơn 22,5 triệu hồ sơ, đang giải quyết hơn 74.700 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết có hơn 22,4 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 99.84%) và 37.649 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,16%), hồ sơ trễ hạn đã được thực hiện thư xin lỗi (chiếm tỷ lệ 100%).
Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến hơn 11,7 triệu hồ sơ tăng gần 6 triệu hồ sơ so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến tháng 12-2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 740/1.837 TTHC đạt tỷ lệ 40,28%. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình 464 TTHC, dịch vụ công trực tuyến một phần 276 TTHC.
Về cải cách tài chính công, hiện nay, có 100% đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; 100% đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản; 100% đơn vị sắp xếp bộ máy và có tiết kiệm kinh phí.
Năm 2024, UBND TPHCM đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong CCHC. Trong đó tiếp tục triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền CCHC, phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố quan tâm tuyên truyền thường xuyên, liên tục, bám sát các nội dung về công tác CCHC, đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về chương trình chuyển đổi số, phù hợp từng giai đoạn và chiến lược của thành phố.
TPHCM tiếp tục tăng cường kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ, việc thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất, không báo trước. Đặc biệt, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, cải cách TTHC và kết quả thực hiện các chỉ tiêu CCHC. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng công tác cải cách hành chính, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy nền hành chính Thành phố.
Cùng với đó, xây dựng Đề án “Xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc chủ động thực hiện CCHC.
UBND TPHCM tiếp tục triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử; phát huy tối đa hiệu quả quá trình chuyển đổi số để có giải pháp cụ thể thực hiện tốt chủ đề năm 2024.
Tại hội nghị, UBND TPHCM công bố chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện năm 2023.
Ở khối sở, ban, ngành: Ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp thành phố xếp hạng 1. Hạng 2 là Sở An toàn thực phẩm; hạng 3 là Sở VH-TT. Các sở: Nội vụ, QH-KT, Du lịch xếp hạng 4, 5, 6. Thanh tra TPHCM xếp hạng 7 và Sở KH-ĐT xếp hạng 8.
Khối địa phương: UBND quận Bình Tân xếp hạng 1. UBND quận Phú Nhuận xếp thứ 2 và UBND quận 7 xếp thứ 3. UBND các quận: 3, 11, Tân Bình, Gò Vấp lần lượt xếp thứ 4, 5, 6, 7.
Năm 2023, TPHCM đề ra 88 nhiệm vụ về CCHC, đến nay đã hoàn thành 88/88 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay có 1.834 thủ tục hành chính (TTHC) đang áp dụng, trong đó 1.487 TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 219 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện, 128 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã.
Thành phố ban hành 65 Quyết định công bố danh mục 657 TTHC: chuẩn hóa 140 TTHC mới, sửa đổi 273 TTHC, thay thế 75 TTHC, bãi bỏ 169 TTHC. Tiếp nhận mới trong năm 2023 là 8.161 trường hợp phản ánh, kiến nghị, trong đó 1.106 trường hợp về quy định hành chính và việc thực hiện thủ tục hành chính; 7.055 trường hợp không thuộc phạm vi, thẩm quyền xử lý.