Chính phủ vừa có Tờ trình số 439/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật quy định về vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô.
Trong số nội dung cụ thể, liên quan đến mô hình tổ chức, thành phố Hà Nội đề xuất quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 (không tổ chức HĐND phường); đồng thời bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND thành phố Hà Nội, theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20% lên 25%. Ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn phân quyền mạnh mẽ với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn.
Do đó, yêu cầu đặt ra là tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND thành phố Hà Nội, nhất là đội ngũ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Số lượng phó chủ tịch HĐND tăng từ 2 lên 3, thành phần của thường trực HĐND được mở rộng so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung ủy viên là chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội).
Đáng lưu ý, trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.
Đối với UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND quận, huyện, thị xã; quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, cho phép cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ủy quyền giải quyết một số thủ tục hành chính cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới (khác với Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định UBND, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức phường giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền |
Hiện nay, số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội chiếm tỉ lệ khá lớn so với tổng số thủ tục hành chính toàn thành phố (1.175/1.895 thủ tục hành chính, chiếm 62%), dẫn đến tình trạng quá tải trong tiếp nhận và giải quyết, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đối với HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội (sẽ được thành lập trong thời gian tới), dự thảo luật cũng đã quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện.
Cụ thể, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Đối với UBND phường, dự thảo đã luật hóa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường. Cùng với đó, để đơn giản hóa thủ tục, dự thảo Luật bổ sung quy định UBND, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức phường giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND phường.