Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây ​ ​

Trong báo cáo vừa gửi tới Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ, TB-XH Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn chính
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB-XH Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn chính

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), làn sóng đại dịch Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức “nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại “vết sẹo” lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp”.

Mức thiếu hụt thời giờ làm việc của quý II năm 2021 là 4,4%. Bên cạnh đó, đại dịch làm cho “thu nhập của người lao động giảm mạnh và tỷ lệ nghèo gia tăng”. “Cùng với đó, hệ quả là những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát khi tỷ lệ có việc làm vẫn nghèo quay lại mức của năm 2015”, báo cáo nêu rõ.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt thứ 4 (từ ngày 27-4-2021, là đợt dịch diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay), đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. 

Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 đã xâm nhập và tác động trực tiếp vào các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách và liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại 23 tỉnh, thành phố đã phải áp dụng giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 ở mức 3,98% - mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn. 

Về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 68), Bộ trưởng LĐ, TB-XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi.

Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là 20.280 tỷ đồng, hỗ trợ 15,01 triệu đối tượng (89,4% số đối tượng và 90,5% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin đến Đại biểu Quốc hội.

Đáng lưu ý, có gần 13 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù tại 56/63 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 16.690 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phê duyệt hồ sơ cho 1.456 lượt người sử dụng lao động vay 756 tỷ đồng để trả lương cho 211.280 lượt người lao động. Đã giải ngân 745,9 tỷ đồng hỗ trợ 1.433 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 208.352 lượt người lao động.

Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang (327,6 tỷ đồng), Bắc Ninh (83,6 tỷ đồng), TPHCM (55,8 tỷ đồng), Hà Nội (47,4 tỷ đồng), Cần Thơ (46,8 tỷ đồng), Hưng Yên (11,7 tỷ đồng), Đồng Nai (10,9 tỷ đồng), Bình Định (9,1 tỷ đồng).

“Việc hỗ trợ nhìn chung được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng” – người đứng đầu ngành LĐ, TB-XH khái quát.

Đặc biệt, TPHCM chủ động triển khai 3 gói hỗ trợ thiết thực cho người dân thành nhiều đợt với tổng kinh phí khoảng 11.890 tỷ đồng, triển khai hàng triệu "túi an sinh xã hội", nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo người dân có mức sống tối thiểu, không bị thiếu đói, qua đó giúp người dân yên tâm thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên ở đó”.

Tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động, mở rộng đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ…

Mặc dù vậy, ông Đào Ngọc Dung thừa nhận, một bộ phận người dân, người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được hưởng hoặc chậm được thụ hưởng. Mức hỗ trợ còn thấp. Việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ, công tác hỗ trợ tại một số địa phương vẫn còn chậm. Một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Công tác hỗ trợ ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra ở một số địa phương.

Trên cơ sở kết quả triển khai vừa qua, Bộ LĐ, TB-XH đã trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, mở rộng đối tượng thụ hưởng, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách cho vay trả lương từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đồng thời đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, trước mắt lập 12 đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Bộ LĐ, TB-XH làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng chưa được hưởng, linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động. Đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện chi trả sớm cho các đối tượng đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ, tránh tình trạng người dân chờ đợi, dẫn tới bức xúc, phản ánh thông tin trên báo chí, mạng xã hội...

Tin cùng chuyên mục