Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ có xu hướng gia tăng

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở nhóm tuổi 13-15 giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng...

Ngày 26-12, tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kết quả điều tra mới đây cho thấy công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở nhóm tuổi 13-15 giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Việc sử dụng thuốc lá điếu ở học sinh đang giảm nhưng lại gia tăng hút thuốc lá điện tử

Việc sử dụng thuốc lá điếu ở học sinh đang giảm nhưng lại gia tăng hút thuốc lá điện tử

Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đáng lo ngại khi tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Theo đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nữ nhóm tuổi 13-15 tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.

Đặc biệt việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nhiều chất độc hại rất nguy hiểm tới sức khỏe

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nhiều chất độc hại rất nguy hiểm tới sức khỏe

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không chỉ chứa nicotine mà còn có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch như: ma tuý, cần sa. Do đó, WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống, nó có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi sẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Tin cùng chuyên mục