Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho biết, hiện nay UBND TPHCM đã cho phép học sinh các khối lớp từ 7 đến 12 đến trường học trực tiếp, tuy nhiên đối tượng nhỏ hơn (gồm học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6) vẫn đang lắng nghe ý kiến từ dư luận và đánh giá tình hình thực tế trước khi quyết định mở rộng đối tượng học sinh đến trường.
Tại buổi làm việc, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND quận 1 thông tin, hiện nay trên địa bàn quận, bậc tiểu học có quy mô học sinh lớn nhất với 15.442 học sinh, kế đến là THCS với 12.315 học sinh, hai bậc mầm non và THPT lần lượt có 4.963 và 9.378 học sinh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang ở tỉnh, thành khác chưa quay trở lại TP còn khá cao (2 cán bộ quản lý, 76 giáo viên và 20 nhân viên ở bậc mầm non; 49 giáo viên và 30 nhân viên ở bậc tiểu học, 51 giáo viên và 4 nhân viên ở bậc THCS).
Tính đến ngày 10-1-2022, toàn quận có 155 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên là F0 đang điều trị. Trong đó, số lượng F0 được phát hiện khi dạy học trực tiếp cho học sinh là 73 học sinh, 8 giáo viên và 2 nhân viên. Hầu hết các trường hợp học sinh phát hiện F0 tại nhà, có 3 trường hợp phát hiện tại trường.
Tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 chiếm 94,94%, còn 261 học sinh chưa tiêm đủ 2 mũi do có bệnh nền, đang uống thuốc điều trị bệnh khác, học sinh đang ở quê, chưa đồng thuận tiêm vaccine…
Qua thống kê từ các đơn vị trường học, tỷ lệ học sinh đến trường thực tế đã tăng dần, từ 90% trong những ngày đầu tiên trở lại trường tăng lên 97% thời điểm hiện tại. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng thể hiện sự tin tưởng và đồng hành của phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho con đến trường.
Theo bà Mai Thị Hồng Hoa, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán năm 2022 ở khối mẫu giáo hiện nay chưa cao với 40,78% đối với lớp 5-6 tuổi, 34,47% với trẻ 4-5 tuổi và 24,75% trẻ từ 3-4 tuổi.
Đối với bậc tiểu học, tỷ lệ đồng thuận cao hơn với 66,19% ở lớp 1; 63,03% ở lớp 2; 67,66% ở lớp 3; 62,14% ở lớp 4 và 32,32% đối với lớp 5. Riêng khối 6 có 45,9% phụ huynh đồng thuận cho con đến trường.
Hiện nay, cơ sở giáo dục gặp khó khăn về kinh phí để trang bị bộ test nhanh Covid-19, dụng cụ, thiết bị y tế. Một số cơ sở giáo dục không có nhân sự chuyên trách về y tế mà giáo viên, ban giám hiệu kiêm nhiệm nên việc test cho học sinh khi có F0 không tự thực hiện được.
Trước thực tế đó, UBND quận 1 đề xuất UBND TPHCM xem xét tiêm vaccine cho học sinh từ 3-12 tuổi để tổ chức đi học trở lại cho các khối lớp còn lại từ sau Tết Nguyên đán, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người dân về sự cần thiết cho học sinh đi học trực tiếp trở lại để đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) thông tin, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường sau Tết Nguyên đán đã tăng từ 30% ở đợt khảo sát đầu tiên lên 40% ở đợt thứ 2 và kết quả khảo sát mới đây nhất cho thấy đã tăng lên 69,9%.
Tại Trường THCS Chu Văn An (quận 1), cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi lớp một phòng học. Tuy nhiên, trong giai đoạn phòng chống dịch, nhà trường thực hiện tách lớp, tận dụng các phòng chức năng để giáo viên dạy học trực tiếp ở phòng này, có hệ thống chuyền hình ảnh, thông tin cho học sinh ở phòng kia theo dõi.
Một số trường hợp học sinh đến trường học trực tiếp nhưng phải học trực tuyến do giáo viên là F0 hoặc F1 dạy học từ xa tại nhà, học sinh học qua hệ thống màn hình, máy chiếu tại lớp và có hỗ trợ của một giáo viên ở Tổ An toàn Covid-19.
Cô Hồ Thị Ngọc Sương cho biết, hiện nay cường độ lao động của giáo viên trong giai đoạn vừa dạy học vừa phòng chống dịch nhiều hơn trước rất nhiều. Trong đó, nhà trường phải tiến hành song song việc dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến cho học sinh là F0, học sinh có ba mẹ không đồng thuận cho con đến trường...
Những học sinh không tham gia học trực tiếp sẽ được giáo viên bộ môn hướng dẫn trực tuyến vào các buổi chiều và thứ 7 hàng tuần nhằm giải đáp thắc mắc, phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh.
Trả lời câu hỏi vì sao tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học lại ở khối 5 thấp hơn các khối 1, 2, 3, 4, cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cho biết, do tâm lý phụ huynh muốn nghe ngóng thêm tình hình dịch bệnh sau Tết Nguyên đán, học sinh chưa được tiêm vaccine… Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ phụ huynh đồng thuận từ khối 1 đến khối 4 cao hơn khối 5 là do phụ huynh khối 5 lo ngại nếu cho con trở lại trường, tham gia kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp sẽ ảnh hưởng kết quả xét tuyển đầu vào khối 6. Một số phụ huynh cho biết muốn con kiểm tra trực tuyến để có kết quả cao hơn so với kiểm tra trực tiếp nên chưa đồng thuận việc trở lại trường. |