So với kết quả nghiên cứu trước của BSA được công bố năm 2016, tỷ lệ phần mềm không bản quyền trong máy tính ở Việt Nam đã giảm được 4%. Mặc dù tỷ lệ này còn cao, nhưng với chiều hướng giảm dần, cho thấy nỗ lực không nhỏ của các cơ quan, tổ chức Việt Nam.
Sáng nay, 12-6, tại Hà Nội, Liên minh phần mềm (BSA) chính thức công bố kết quả Điều tra phần mềm toàn cầu 2018.
Theo công bố của BSA, để giảm nguy cơ tấn công mạng và gia tăng kết quả kinh doanh thuần, các doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá các phần mềm trong hệ thống nội bộ của doanh nghiệp và loại bỏ các phần mềm không bản quyền.
Liên minh phần mềm (BSA) chính thức công bố kết quả Điều tra phần mềm toàn cầu 2018 tại Hà Nội sáng nay, 12-6. Ảnh TRẦN BÌNH
Kết quả điều tra của BSA cho thấy, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%. So với kết quả nghiên cứu trước của BSA được công bố năm 2016, tỷ lệ này đã giảm được 4%.
Theo BSA, tỷ lệ này chịu ảnh hưởng một phần bởi các xu hướng lớn đang diễn ra ở Việt Nam. Lượng tiêu thụ máy vi tính PC tuy giảm mạnh nhưng lượng cài đặt phần mềm tiêu dùng lại tăng, do kết quả của lượng tiêu thụ năm trước. Vì thế, việc tỷ lệ phần mềm không phép giảm chủ yếu là kết quả của việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, thực thi luật, tuyên truyền chứ không phải một yếu tố nội tại của thị trường. Số lượng cơ sở bán lẻ máy PC quy mô nhỏ đã giảm trong khi các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy hơn tăng. Các lo ngại về vấn đề an ninh do sử dụng phần mềm không bản quyền khiến một số người tiêu dùng, doanh nghiệp tìm đến phần mềm hợp pháp, chí ít là các phần mềm an ninh.
Như vậy, từ năm 2009 đến nay, kết quả nghiên cứu của BSA đã cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010, đến mức 81% vào các năm 2011 và năm 2013; đến mức 78% năm 2015 và 74% vào năm 2017 theo kết quả khảo sát mới được công bố.
Theo BSA, tỷ lệ này còn cao, nhưng với chiều hướng giảm dần, cho thấy nỗ lực không nhỏ của các cơ quan, tổ chức Việt Nam.
Tỷ lệ vi phạm và giá trị thương mại của phần mềm máy tính không bản quyền ở Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh TRẦN BÌNH Nghiên cứu của BSA cho thấy, trên thế giới, các tổ chức sử dụng phần mềm để cải thiện cách thức làm ăn, nâng cao lợi nhuận, tiếp cận thị trường mới và tranh thủ lợi thế cạnh tranh. Tuy vậy, những nỗ lực này bị cản trở bởi việc sử dụng tràn lan phần mềm không bản quyền và kéo theo các nguy cơ an ninh nghiêm trọng.
Bà Victoria Espinel, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc BSA cho rằng, các tổ chức trên toàn thế giới chưa tranh thủ được những lợi ích kinh tế và an ninh mà các phần mềm được quản lý tốt đem lại. Doanh nghiệp cần có các chương trình quản lý tài sản phần mềm (SAM) để đánh giá các phần mềm hiện có trên mạng, từ đó sẽ giảm được rủi ro từ các cuộc tấn công mạng nguy hiểm cũng như góp phần nâng cao thu nhập.
Kết quả điều tra toàn cẩu của BSA cho thấy, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền dù có giảm nhẹ nhưng vẫn rất phổ biến. Phần mềm không bản quyền vẫn được sử dụng trên toàn cầu với tỷ lệ đáng báo động, chiếm tới 37% tổng số phần mềm được cài đặt trên máy vi tính cá nhân, và tính từ năm 2016 chỉ giảm 2%.
Theo các giám đốc Công nghệ thông tin (CIO), sử dụng phần mềm không bản quyền đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có chi phí cao. Mã độc từ phần mềm không bản quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên toàn thế giới gần 359 tỷ USD mỗi năm.
Các CIO cho biết việc tránh bị hack dữ liệu và các nguy cơ an ninh khác từ mã độc là lý do số một để bảo đảm cho mạng vi tính của doanh nghiệp sử dụng hoàn toàn phần mềm có giấy phép. Việc tăng cường tuân thủ bản quyền phần mềm hiện là một yếu tố thúc đẩy kinh tế, ngoài vấn đề an ninh. Khi doanh nghiệp có các biện pháp thực tế tăng cường quản lý phần mềm thì có thể nâng cao lợi nhuận được tới 11%.
TRẦN BÌNH