Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi đến Quốc hội, cùng với việc tích cực hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu để kiểm soát và kiềm chế nợ xấu ở mức dưới 3%.
Cụ thể, cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46%, đến cuối tháng 7-2017 là 2,51% (thấp hơn so với mức 2,55% cuối năm 2015). Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46,03 nghìn tỷ đồng.
Để tiếp tục kiểm soát, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn và tăng cường xử lý nợ xấu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017) và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.
Ngay sau đó, NHNN đã tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành; đồng thời, ban hành một loạt văn bản chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai.
Theo đó, các TCTD đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2022 theo hướng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các giải pháp được nêu tại phương án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; làm việc với 6 TCTD điểm được lựa chọn (gồm Ngân hàng BIDV, Sài Gòn Thương tín, Á Châu, Công thương Việt Nam, Kỹ thương Việt Nam, NHNN&PTNT) và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để quán triệt, chỉ đạo các đơn vị này tập trung triển khai một cách toàn diện các giải pháp tại Nghị quyết 42.
NHNN cũng đang tập trung chỉ đạo VAMC khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ - bản báo cáo cho biết.