Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15-8-2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết.
Sáng 14-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 10. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điểm lại những nội dung chính trong chương trình nghị sự phiên họp.
Theo đó, UBTVQH cho ý kiến vào 5 dự án luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Liên quan công tác giám sát, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. UBTVQH cũng thảo luận dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023 và Đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3-2022.
Chính phủ cũng sẽ có báo cáo để xin ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Bên cạnh đó, UBTQVH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về Thí điểm Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.
UBTVQH cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về Thí điểm Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo, thời gian qua, tình hình nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Đặc biệt với việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu đã được khắc phục, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Nhờ đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31-12-2021 giảm 17,2% so với thời điểm Nghị định số 42 có hiệu lực (15-8-2017). Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15-8-2017 đến 31-12-2021 cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15-8-2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết.
Đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm cho mọi khoản nợ xấu
Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình bày báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, không chỉ cần kéo dài thời hạn mà cần mở rộng phạm vi áp dụng nghị quyết này. Cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị cho phép áp dụng nghị quyết với cả các khoản nợ được hình thành sau ngày 15-8-2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Theo Ủy ban Kinh tế, trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo nghị quyết này. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây.
Các cơ chế tại nghị quyết cũng đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đạt kết quả cao hơn so với giai đoạn trước.
Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 120.738 tỷ đồng, từ đó bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ. “Cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức từ khi nghị quyết có hiệu lực. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, nợ xấu đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%, trong đó nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng.
Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, năm 2020, khi đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, đã kiến nghị một số nội dung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, song đến nay Chính phủ vẫn tiếp tục nêu 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc. Để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung.
Một là, bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15-8-2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Hai là, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như Công ty VAMC.
Đối với các nội dung khác, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn đến chính sách đa dạng hóa các đối tượng tham gia trực tiếp vào công tác xử lý nợ xấu, chính sách quy định về giao dịch nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu cũng như các dịch vụ hỗ trợ xử lý nợ xấu. Có ý kiến cho rằng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới không nên chỉ giới hạn đối với nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà cần tính đến nợ xấu của nền kinh tế để có tính bao quát; hơn nữa, việc xử lý nợ xấu sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ quan điểm của cơ quan thẩm tra, theo đó, không chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 mà phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc mà báo cáo của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, về nội dung sửa đổi cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh yêu cầu chỉ áp dụng để xử lý nợ xấu, tồn đọng từ 2017 trở về trước và các khoản phát sinh thêm (do chưa xử lý xong nợ, vẫn tiếp tục phải trả lãi…), không áp dụng cho nợ mới phát sinh từ sau 2017.
“Các khoản này phải xử lý bằng Luật Các tổ chức tín dụng và phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế”, ông Trần Xuân Hà nêu quan điểm.