Đó là nội dung được TS.BS Trần Công Thắng, Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM thông tin tại Hội thảo “Suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi” do Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) tổ chức vào sáng 14-10.
Theo báo cáo tại hội nghị, tỷ lệ sa sút trí tuệ ở nước ta chiếm từ 5% ở người trên 60 tuổi. Hiện nước ta có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng.
Sa sút trí tuệ là một hội chứng có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra và có thể hồi phục hoặc không hồi phục được. Hội chứng lâm sàng này có đặc trưng là mất trí nhớ gần; khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc; khó diễn đạt ngôn ngữ; rối loạn định hướng thời gian, nơi chốn; giảm khả năng đánh giá; có các vấn đề về tư duy; quên vị trí đồ vật, thay đổi cá tính; mất tính chủ động...
Cũng theo TS.BS Trần Công Thắng, sa sút trí tuệ nói chung và bệnh mất trí nhớ Alzheimer là một bệnh lý ngày càng gia tăng bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này, chủ yếu dùng thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh.
Để phòng ngừa tốt bệnh suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu... Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, ăn nhiều rau, trái cây và tập thể dục thường xuyên.
Còn đối với những người mắc sa sút trí tuệ cần người chăm sóc có những kiến thức, kỹ năng ứng xử khi bệnh nhân có những bất thường về hành vi, các biện pháp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở giai đoạn cuối, khi bệnh nhân có những rối loạn về tâm thần như: hoang tưởng, ảo giác, kích động, đi lang thang hoặc các biến chứng khác... thì cần cho bệnh nhân nhập viện để điều trị.