Theo số liệu cập nhật từ ghi nhận ung thư toàn cầu được công bố tại hội nghị thì Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018. Cả nước hiện có khoảng hơn 350.000 bệnh nhân đang sống với bệnh ung thư. Các loại ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, dạ dày, các ung thư vùng đầu, cổ.
Theo Ban tổ chức, năm nay hội nghị nhận được 88 bài báo khoa học chất lượng cao về mặt chuyên môn cũng như những bước phát triển vượt bậc trong việc ứng dụng và phát huy về mặt khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng điều trị ung thư, trong đó có 10 báo cáo của các chuyên gia nước ngoài (đến từ Hoa Kỳ, Nhật, Singapore, Đài Loan), 70 bài được chọn báo cáo tại hội nghị. 18 bài được chọn đăng trong Tạp chí Y học lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế số 74. Các chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên nước ngoài và trong nước tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến.
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, trong chín năm liên tục, hội nghị được tổ chức đều đặn để trao đổi kinh nghiệm, ngày càng phong phú, để thắt chặt tình đồng nghiệp ngày càng thắm thiết, từ đó phát huy chiến lược phòng chống ung thư ngày càng đi vào cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong cả nước.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thành công của các hội nghị khoa học sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của chuyên ngành ung bướu, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị ung thư của Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…