Kết quả giám sát cho thấy, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản địa bàn khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Giai đoạn 2016-2018, số huyện được công nhận thoát nghèo đạt tỷ lệ thấp 8/64 huyện (12,5%); 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; tuy nhiên giai đoạn này lại phát sinh, bổ sung 13 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a.
Tính đến năm 2018, số thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ rất thấp: 0,51% tương ứng với 104 thôn /20.243 thôn đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn so với số hộ nghèo cả nước. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66% so với tổng số hộ nghèo cả nước (864.931) và chiếm 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Một số huyện nghèo 30a có tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 60%. Năm 2018, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 62,51% so với tổng số hộ nghèo của 51 tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm nghèo thiếu bền vững là do đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ di dân tự do, còn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, trùng lặp về nội dung và địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạch định, ban hành chính sách chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; ít có sự tham gia của người dân.
Cho rằng báo cáo đã đánh giá khá rõ thực trạng, địa chỉ trách nhiệm; giải pháp kiến nghị cũng khá rõ, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặc biệt lưu ý việc người dân sống gần rừng chưa thể sống được bằng rừng.
Theo bà Nga, mục tiêu giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách nhưng ban hành văn bản thì chậm, có chính sách phù hợp với vùng này nhưng lại không hợp với vùng khác do chưa lấy ý kiến của địa phương nơi hưởng thụ chính sách. Quá trình thực hiện chính sách vẫn có những sai phạm; giai đoạn sau sai phạm nhiều hơn giai đoạn trước cho thấy công tác kiểm tra giám sát cần được quan tâm sát sao hơn.