Gửi Báo cáo tới Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao. Các cơ quan tư pháp đã giải quyết 1.306/1.392 vụ án, tỷ lệ 93,8%, khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử đúng tiến độ các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Đáng lưu ý, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020 tăng 29,6% so với năm 2017 và tăng 13,8% so với năm 2018.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được kiểm sát tăng qua các năm, trong khi số lượng tố giác, tin báo quá hạn giải quyết giảm mạnh (năm 2018 là 3.368 tin; năm 2019 là 2.261 tin; năm 2020 là 471 tin), qua đó đã hạn chế việc bỏ lọt tội phạm…
Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật, qua đó, kịp thời hủy bỏ các quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ. Số bị can Cơ quan điều tra phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không có sự việc phạm tội của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là 307 bị can; của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là 139 bị can, giảm tới 54,7%.
Tuy nhiên, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế. Vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Bao gồm: 157 trường hợp VKS đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó trả tự do vì người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật; 139 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra và 47 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa chặt chẽ; còn để xảy ra một số trường hợp VKSND hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác dẫn tới bị can phạm tội mới, bỏ trốn, phải ra lệnh truy nã (51 trường hợp). Số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn (9.141 vụ), trong đó có 788 trường hợp tòa án trả hồ sơ cho VKS yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.