Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp chiều 10-3 của UBTVQH, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch, trong đó đợt thứ nhất và thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.
Bên cạnh đó, nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp. Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động.
Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TPHCM (31,8%). Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%) (năm 2021).
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn không ngừng gia tăng, nhiều doanh nghiệp có số lao động bị mắc Covid-19 tăng lên phải tạm thời nghỉ việc để điều trị hoặc cách ly y tế. Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh phía bắc như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng… (những tỉnh có số lượng doanh nghiệp lớn) thì nhiều doanh nghiệp có số lao động mắc Covid-19 chiếm 10% số lao động; số lao động tiếp xúc trực tiếp người lao động bị mắc Covid-19 phải nghỉ làm tạm thời để theo dõi chiếm 10% số lao động.
Như vậy số lao động phải nghỉ làm tại nhiều doanh nghiệp chiếm tới 20% số lao động. Thực trạng này đã dẫn tới sự thiếu hụt lao động tại từng thời điểm, đặc biệt là những lao động đã được doanh nghiệp đào tạo phù hợp với dây chuyền sản xuất mà không thể ngay lập tức có lực lượng thay thế, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành những đơn hàng đã ký kết và có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, người lao động sẽ mất việc làm. Điều này không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại mà người lao động cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do mất, thiếu việc làm.