Bộ Tài chính đang lấy ý kiến “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội”. Báo cáo gồm 4 phần: đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021; dự kiến dự toán NSNN năm 2022; kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024; phụ lục số liệu liên quan. Trong đó có nội dung về thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách của những địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương.
Theo đó, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411.700 tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP. Cụ thể: dự toán thu nội địa là 1.176.700 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2021; dự toán thu dầu thô 28.200 tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối NSNN, trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 60USD/thùng; dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 199.000 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng thu cân đối NSNN; dự toán thu viện trợ 7.800 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, mức dự toán nêu trên đã được tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân lực, doanh thu sụt giảm mạnh, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.
Về chi, dự toán chi cân đối NSNN năm 2022 là 1.784.600 tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Dự kiến bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu như: chi đầu tư phát triển: 526.100 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi NSNN, tăng 10,2% so dự toán năm 2021; chi thường xuyên: 1.111.190 tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi NSNN, tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 (tập trung bố trí tăng chi một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới, như: hỗ trợ chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội cho người dân; điều chỉnh chuẩn nghèo; lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; chế độ trợ cấp người có công…).
Mức bội chi là 372.900 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43-44% GDP.
Đáng lưu ý, trong nội dung dự toán thu – chi cân đối ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia và bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương năm 2022 thì tỷ lệ điều tiết phần ngân sách TPHCM được hưởng (hay là khoản chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương ở một số lĩnh vực thu) tăng từ 18% lên 21%, tương đương giá trị tuyệt đối trên 41.500 tỷ đồng; Hà Nội từ 35% xuống 32%, tương đương trên 53.100 tỷ đồng; Bình Dương giữ nguyên 36%; Đồng Nai từ 47% xuống 45%; Vĩnh Phúc từ 53% lên 62%; Bà Rịa – Vũng Tàu từ 64% xuống 56%; Quảng Ninh 65% còn 56%; Đà Nẵng 68% lên 91%; Hải Phòng 78% còn 70%; Cần Thơ 91% lên 98%...
Theo Bộ Tài chính, 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới. Và dựa trên cơ sở dự toán thu ngân sách và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; dự toán chi ngân sách của địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ, để xác định tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN.