Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, hướng tới Quốc hội chuyên nghiệp
Chuyên đề gồm 3 phần, trong đó phần 3 nêu rõ những giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Quốc hội đổi mới tổ chức bên trong các cơ quan của Quốc hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội trước cử tri và nhân dân.
Giai đoạn từ 2030 - 2045 xây dựng tổ chức Quốc hội khoa học hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, công khai, dân chủ, tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên ít nhất 60% tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời đổi mới về bầu cử để lựa chọn người có kinh nghiệm, uy tín, trình độ; nâng tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách hiệu quả, thiết thực.
Đề nghị làm rõ khái niệm “đảm bảo đại biểu Quốc hội tuân thủ chuẩn mực cao nhất về đạo đức nghị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận xét: “Cần cân nhắc khái niệm đạo đức nghị trường. Nói văn hóa ứng xử nghị trường thì hợp lý hơn”.
Để xây dựng Quốc hội hướng tới hoạt động chuyên nghiệp thì một trong những yêu cầu là tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Các đại biểu đồng ý với đề xuất tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XVI là 45%, định hướng đến năm 2045 là 60%.
Phương án tăng số lượng các ủy ban của Quốc hội một cách hợp lý cũng được các đại biểu dự họp tán thành để có thêm lực lượng thực hiện nhiệm vụ ngày càng quan trọng của Quốc hội, tuy nhiên, về độ tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội cần lý giải thêm khi cho phép tuổi ứng cử là 21 tuổi mà vừa phải “đảm bảo kinh nghiệm công tác và uy tín".
Tiếp tục nghiên cứu thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các kinh nghiệm của quốc tế về mô hình Quốc hội trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì đầu tiên phải có tính phổ quát. Phổ quát là Quốc hội trong nhà nước pháp quyền thì nguyên lý tổ chức hoạt động như nào? Dù mô hình tam quyền hay thống nhất thì có 3 chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quan hệ như thế nào? Pháp quyền đấy, còn xã hội chủ nghĩa thì tính phổ quát là pháp quyền. Tính đặc thù là xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã gợi mở một số vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu như tính chuyên trách, chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội; chế độ đại biểu và mức độ chuyên trách đến đâu cũng phải tính toán. “Nâng cao chất lượng đại biểu thì đúng rồi, nhưng hướng chuyên nghiệp mức độ nào? Tăng tính chuyên nghiệp, chuyên trách chỗ này tôi thấy chưa có khoa học thực tiễn là bao nhiêu %. Phải chăng chuyên đề của chúng ta giải quyết được việc này? Phải có chuẩn chung tối thiểu của đại biểu tối thiểu, nhưng chuẩn mực tối đa không hạn chế được và khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu cơ chế quyết định cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội một các hợp lý theo từng nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với định hướng đề xuất là chuyển dần một số nhiệm vụ của Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song lưu ý cần có biện pháp thuyết phục. Tiếp tục nghiên cứu thiết chế Tổng Thư ký độc lập thay vì thiết chế Tổng Thư ký gắn với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Về việc tăng nội hàm dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, dân chủ nghị trường, dân chủ của đại biểu Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi phải có những cải tiến, đổi mới. Đồng thời, trong chức năng giám sát hiện nay, bên cạnh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội cần tăng các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Bởi trong chất vấn không có điều kiện giải trình cao bằng các phiên giải trình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trước ngày 31-12.