Cụ thể, có 7/20 chỉ tiêu có kết quả tiến bộ hơn so với năm 2021 và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025. Tỷ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ước đạt 60% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương trên tổng số lao động nữ có việc làm đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030...
Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Xã hội |
Đại diện cơ quan thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm ghi nhận, so với năm 2021, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã có những tiến triển. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 tăng 4 bậc so với năm 2021 (từ vị trí thứ 87/146 quốc gia lên vị trí thứ 83/146 quốc gia). Trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nhìn chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Cầm lưu ý, những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới phụ nữ và các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những tác động về thể chất, tinh thần, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng; công chức chuyên trách công tác bình đẳng giới cơ bản là phụ nữ (chiếm 71,6%) và thường xuyên luân chuyển, biến động hàng năm; kỹ năng, kiến thức về bình đẳng giới còn hạn chế... Bà Cầm cũng đề nghị sớm có giải pháp thiết thực bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chuyên trách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới...