Ngày 28-9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (VH-GD) của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT về thực hiện kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch đầu tư công năm 2021, xây dựng kế hoạch năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo; văn hóa - thể thao - du lịch; thông tin - truyền thông; thanh niên - trẻ em.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 cho các lĩnh vực mà Ủy ban VH-GD phụ trách còn khiêm tốn (bằng 5,07% cả nước) nhưng đã tăng 24% so với kế hoạch năm 2020 và chiếm 17,5% kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn 2021-2025. Điều này thể hiện sự quan tâm thích đáng đến các lĩnh vực nêu trên.
Qua xem xét vấn đề này, Thường trực Ủy ban VH-GD ghi nhận, việc phân bổ vốn đầu tư công NSNN năm 2021 cho lĩnh vực này cơ bản bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí và định mức theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, đúng thứ tự ưu tiên thanh toán nợ đọng, đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, các dự án hoàn thành trong năm 2021…
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương từ khâu xây dựng kế hoạch, giao vốn đến tổ chức thực hiện, quyết toán đầu tư chưa được chấp hành nghiêm túc; xây dựng kế hoạch chưa sát nhu cầu thực tiễn, giao vốn khi còn chưa đảm bảo thủ tục đầu tư, chậm triển khai, chậm giải ngân, hồ sơ quyết toán thiếu, không bảo đảm, nợ đọng xây dựng cơ bản... Đây là tồn tại đã diễn ra nhiều năm, cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt nhằm khắc phục sớm và triệt để.
Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD Nguyễn Đắc Vinh nhận xét, theo số liệu tổng hợp trong báo cáo thì tỷ trọng vốn đầu tư công các lĩnh vực, ngành mà Ủy ban VH-GD phụ trách so với tổng vốn đầu tư công cả nước giai đoạn 2021-2025 còn quá thấp; đề nghị Chính phủ bảo đảm đúng tỷ lệ đã được xác định trong các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội.