Đuông dừa là một tuyệt phẩm của xứ dừa nhưng con người được ăn đuông thường chỉ do tình cờ mà thôi.
Đấy là do con kiến vương to cỡ hạt mít, một loại côn trùng chuyên ăn phần mềm đầy chất ngọt béo của thân cây dừa mà người ta hay gọi là tàu hủ dừa. Mới đầu, có con kiến vương cái đi tìm chỗ đẻ trứng. Nó dùng cái vòi cứng đục một lỗ ở phần mềm thân dừa. Kiến này có lớp vỏ cứng bằng chất ky-tin, có cánh bay đi khắp nơi. Kiến có màu cánh gián với những vân vàng nhạt trông khá đẹp. Nó thường thích ăn và đẻ trứng ở những cây dừa tơ sắp có trái.
Sau khi khoét lỗ chui vào tàu hủ dừa, nó ăn no nê. Rồi nó đẻ ra nhiều đợt ấu trùng vào những lỗ ấy. Bọn ấu trùng lớn dần lên. Mới đầu nhỏ như ấu trùng ong non, có đầu và cặp càng cứng ở miệng. Chúng tỏa ra khoét tàu hủ dừa ăn tiếp. Độ sau nửa tháng, trong thân cây dừa ấy đã phát triển một đàn đuông đông đúc, đủ cỡ. Con ấu trùng nhỏ bằng đầu đũa. Con ấu trùng to bằng cái hạt điều, thân trắng đục, béo tròn. Lại có những ấu trùng lớn đã dệt được cái kén dày; nó nằm gọn trong ấy, bắt đầu mọc vòi, mọc chân, cánh, tụ hình thành kiến vương. Nằm trong những kén này có chừng 3 loại: ấu trùng già - kiến vương non màu trắng - kiến vương già màu vàng nhạt, chuẩn bị rời kén bay đi. Thời gian sau, con đực, con cái phát dục, giao phối và lại đi tìm những cây dừa tơ ăn và đẻ trứng. Khi những con kiến vương cuối cùng rời cây dừa bay đi thì cây dừa đó lá vàng úa hết, chết hẳn.
Trong vườn dừa, nếu thấy một cây dừa tơ có nhiều lá úa, ghé tai vào nghe nhiều tiếng ăn nghe rào rạo. Là trong ấy có đuông nhiều rồi. Người ta đốn xuống, chẻ tàu hủ ra bắt. Có cây dừa bắt đúng lúc được hơn một ký đủ cả mấy loại đuông non, ấu trùng già trong kén, kiến vương non, già. Loại nào ăn cũng béo thơm, có cái ngon riêng.
Do loại đặc sản này rất hiếm nên có giá bán cao ngất. Ở trong vườn, người ta nói có vài nơi bán 10.000 đồng/con nhưng cũng chẳng biết cụ thể nơi nào để đến mua. Và có vài nhà hàng ở TP Bến Tre cũng có bán với giá 15.000 đồng/con mà lâu lâu mới có, không phải thường xuyên. Nhưng trong tình quê, có khi vì khoái nhau mà tặng nhau một rổ đuông nhiều, không cần tiền bạc chi hết. Cho nên có thể nói, đây là món ăn kỳ diệu và có phần hơi xót. Bởi có một dĩa đuông thơm, béo ngậy trên bàn ăn là có một cây dừa trồng trên 4 năm đã nằm xuống đất, về với cát bụi.
Cách đây khá lâu, có một giai đoạn người ta ăn đuông dừa hơi ngán. Đó là những năm giá dừa tuột dài xuống còn dưới 10.000 đồng/chục. Tiền bán dừa không đủ đong gạo. Người ta đốn dừa hàng loạt. Cây dừa khi bị đốn, nếu còn tàu hủ, phần nhiều cũng có kiến vương đến ăn và sinh đuông.
Để làm món đuông chiên giòn, người ta ngâm đuông mới bắt về còn sống vào nước muối cho sạch, sau đó vớt ra để ráo, lăn qua một lớp bột mỏng. Bắc chảo mỡ đun lửa nhỏ sôi rồi thả một lần vài con đuông vào lăn qua lăn lại chiên giòn. Con đuông chiên vàng, da và lớp bột rán phồng lên, tỏa mùi thơm phức, chứa thịt béo bên trong ngọt lịm. Chúng được xếp ra dĩa trông rất bắt mắt. Ai lần đầu được nếm thử đuông dừa chiên vàng, nóng hổi, giòn tan nhắm với rượu, bia đều không khỏi ngất ngây tê tái, không thể diễn tả gì hơn cái cảm nhận: Tuyệt, tuyệt lắm đuông dừa ơi!
Lê Văn Phúc