Tuyệt đại đa số đại biểu đồng tình mức thu kinh phí công đoàn là 2%

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động phí vẫn 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%.

Phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG
Phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thảo luận về dự thảo luật này, một số đại biểu đều đồng tình, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, để có nguồn lực chăm lo cho người lao động, bảo đảm kinh phí hoạt động công đoàn bền vững thì mức thu 2% là hợp lý. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Tuy nhiên, có ý kiến khác, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần xem lại vấn đề này. Mức thu 2% quỹ công đoàn từ năm 1957 là hợp lý, vì người lao động thời kỳ đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, kinh phí trích ra 2% đó cũng là từ ngân sách nhà nước cấp. Nhưng khi Việt Nam chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì dần không còn hợp lý nữa. Cụ thể, theo ĐB, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất lớn và rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI có số lượng người lao động rất đông, có thể vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người.

Nếu đóng phí công đoàn 2% thì đó là một gánh nặng cho các doanh nghiệp có nhiều người lao động, có thể khiến doanh nghiệp không thể mở rộng được, thậm chí không duy trì hoạt động nữa. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì người lao động sẽ không được làm việc, mất việc, đầu tư FDI có thể bị giảm và nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa, hậu quả rất nặng nề. Từ phân tích đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị nên có mức thu phí cho hợp lý.

“Đề nghị đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động phí vẫn 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%”, ĐB đề xuất.

ĐB cũng đề xuất, Luật Công đoàn lần này cần có quyết định nhiều hơn, chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao, giải trí của người lao động, như vậy sẽ tốt và hiệu quả hơn đối với người lao động.

1.jpg
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia; kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua.

Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, hầu hết ý kiến đồng tình với quy định cho phép người lao động nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc cần có các giải pháp đồng bộ để chủ động quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế từ sớm, từ xa những mặt tiêu cực. Để hạn chế những tác động tiêu cực (nếu có) khi cho phép họ gia nhập công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể; đồng thời trong quá trình hoạt động, công đoàn Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị sẽ có các giải pháp, biện pháp căn cơ lâu dài để đảm bảo cho hoạt động công đoàn giữ vững.

Vấn đề về kinh phí công đoàn, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Theo ông Nguyễn Đình Khang, kinh phí công đoàn được để lại tại công đoàn cơ sở hiện hành hiện nay đang là 75% để chăm lo cho người lao động.

“Chúng ta hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động. Những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn thì ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn (2012), đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn”, ông Nguyễn Đình Khang giải thích.

Tin cùng chuyên mục