Ngày 5-11, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu thực trạng về tội phạm trong công nhân.
Theo ông, cả nước hiện có 16,4 triệu công nhân, đây là lực lượng lao động to lớn, trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, góp phần quan trọng vào con số tăng trưởng kinh tế hàng năm. Nhưng bên cạnh những khó khăn như việc làm, thu nhập, nhà ở, chăm sóc y tế, xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, thời gian cho vui chơi, giải trí, đời sống tinh thần và việc vi phạm pháp luật của giới chủ thì công nhân lao động đang đối mặt với sự tấn công của tội phạm. “Đó là tình trạng trộm cắp, lừa đảo, ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, tai nạn giao thông hay bị hành hung, cướp giật khi trên đường đi làm về”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Đáng chú ý, công nhân hầu hết là nạn nhân của các hành vi phạm tội nhưng có những trường hợp công nhân trở thành đồng phạm do tội phạm ngoài xã hội vào khu nhà trọ, đến cổng nhà máy dụ dỗ, lôi kéo công nhân. Nhiều công nhân vốn đã nghèo nhưng sau một buổi tối tăng ca, khi trở về phòng trọ, vài bộ quần áo và chút đồ dùng đơn sơ, thiết yếu hằng ngày cũng không còn vì trộm cắp. Tín dụng đen hoành hành đang đe dọa sự an toàn của công nhân lao động.
“Có nơi cán bộ công đoàn còn bị mua chuộc để im lặng cho tín dụng đen phát triển, khi cán bộ công đoàn kiên quyết và lên tiếng thì tín dụng đen đe dọa, hành hung”, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu. Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ quan tâm nâng cao đời sống công nhân, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, trong đó có vấn đề tội phạm và tín dụng đen.
Ông cũng cho rằng, công nhân lao động mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chăm lo đến họ bằng những chính sách và quy định pháp luật cụ thể. “Tuyệt đại đa số công nhân lao động đang trông đợi Bộ luật Lao động dự kiến được Quốc hội thông qua sẽ mang lại cho họ niềm phấn khởi và sự tin tưởng, trong đó có việc giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần theo đúng tinh thần khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc như bài học ông cha ta đã thực hành trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu.
Đây cũng là cách để thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội giữa các nhóm lao động khi từ năm 2021, giữa các nhóm lao động có mức lương tối thiểu trung bình sẽ như nhau. “Tổng Liên đoàn Lao động đã kiến nghị với Ban soạn thảo, dù đến nay Chính phủ chưa có bất kỳ báo cáo đánh giá tác động nào, nhưng một vấn đề đã là xu hướng tiến bộ được các nước trên toàn thế giới thực thi rộng rãi và rất nhiều ĐBQH, cử tri ủng hộ, đoàn ĐBQH đề nghị thì rất cần các cơ quan chức năng phải tiếp tục quan tâm để lấy ý kiến của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Từ 1-5-1995, Trung Quốc cũng đã thông qua dự luật áp dụng chế độ 40 giờ/ tuần, một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng chế độ 44 giờ. Thời điểm đó, thu nhập đầu người của Trung Quốc là 610 USD và hiện nay là 2.786 USD, tức là gấp 4,5 lần sau gần 25 năm giảm giờ làm thì tăng trưởng GDP và năng suất lao động của Trung Quốc liên tục tăng và điều đó đã giúp cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo sức mua tương đương vào năm 2014 và cũng là cường quốc về xuất khẩu lớn nhất thế giới. Bài học về giảm giờ làm của Trung Quốc cũng rất đáng để chúng ta tham khảo”. |