Theo bản đồ phân bố các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam, trên vùng biển có thể xảy ra động đất 6-6,2 độ richter nhưng khả năng xảy ra sóng thần rất nhỏ, kể cả nếu có thì biên độ sóng thần vùng ven biển nước ta chỉ khoảng 0,65m, đỉnh sóng chưa cao hơn mặt đất, tuy nhiên không được chủ quan. Với khu vực TPHCM (cụ thể vùng biển Cần Giờ), nếu có nguy cơ sóng thần thì biên độ cũng rất nhỏ.
Đối với sự cố về động đất, theo các đề tài nghiên cứu, tại khu vực TPHCM và Nam bộ nói chung, các đứt gãy có khả năng gây động đất mạnh tới 5,5 độ richter, gây chấn động cấp VII ở khu vực TPHCM và nhiều vùng khác. Ghi nhận chuỗi động đất M4,5-5,5 năm 2004, 2005 và 2007 ở vùng biển Nam bộ, có gây ra một số dư chấn làm một số nhà cao tầng của thành phố rung nhẹ, không gây thiệt hại.
Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, kế hoạch tuyên truyền về động đất, sóng thần năm 2022 đưa ra phương án cụ thể để ứng phó. Theo đó, khi có sự cố về sóng thần cần thực hiện di chuyển theo hướng dẫn, lập tức rời khỏi tàu, thuyền đậu tại cảng, mang theo vật dụng cần thiết, chạy đến nơi cao hơn, ngược hướng biển. Đối với tàu thuyền ngoài khơi, không quay vào bờ cho đến khi nhận được tin cuối cùng về sóng thần...
Khi có sự cố về động đất, quy tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc; khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn; sau khi chấn động ngừng, bình tĩnh rời khỏi phòng, nhà. Nếu đang ở nhà cao tầng, không chạy vào thang máy; không gây ùn tắc ở cầu thang; khi di chuyển nên có vật che đầu, dùng đèn pin trong trường hợp mất điện, tránh dùng nến dễ gây hỏa hoạn. Nếu đang ở ngoài đường, phải tránh xa các tòa cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe thì dừng ở lề đường nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu…